Hoằng Pháp Phật Giáo Đối Với Trẻ Em Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt - THÍCH VIÊN HIẾU

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Hoằng Pháp Hoằng Pháp

Hoằng Pháp Phật Giáo Đối Với Trẻ Em Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt - THÍCH VIÊN HIẾU

Hoằng Pháp Phật Giáo Đối Với Trẻ Em Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt - THÍCH VIÊN HIẾU

Tư tưởng hoằng pháp Phật giáo lấy “Phật tính bình đẳng trong mỗi chúng sanh” làm căn bản để hoằng pháp. Song căn tính chúng vốn có sự sai biệt, nên hoằng pháp Phật giáo có sự uyển chuyển để thích ứng với mọi căn cơ, đức Phật đã tuỳ thuận căn cơ của mỗi chúng sinh mà phương tiện khai hoá. Chính vì thế đức Phật và Tăng đoàn của không bỏ sót một giai cấp nào, dù sang hèn, gái trai, già trẻ v.v. tất cả đều được hóa độ. Sự hoá độ đó mỗi ngày mỗi nhân rộng thêm, không chỉ giới hạn ở xứ Ấn độ mà được hoằng truyền khắp năm châu, bốn bể theo từng bước chân hoằng pháp của Tăng đoàn.

Với mục đích hoằng pháp mang tính bình đẳng, hoằng pháp Phật giáo không cứng nhắc mà uyển chuyển tùy lúc “khế thời”, tùy hoàn cảnh “khế lý”, và tùy thuận theo trình độ nhận biết “khế cơ” của chúng sinh để chuyển hoá.

Hiện nay, Việt Nam ngày càng phát triển trên mọi phương diện, từ những chính sách mở cửa rộng rãi và ngoại giao với hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Do đó, đã thúc đẩy nền kinh tế trong nước có những bước nhảy vọt đáng kể, khoa học công nghệ ngày một tiên tiến, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Thanh thiếu niên Việt Nam như choáng ngợp trước các trào lưu văn hóa phương Tây từ hình thức bên ngoài cho đến tố chất sống bên trong, các tệ nạn xã hội như: xì ke, ma tuý, mại dâm… đã nhấn chìm nét văn hóa lâu đời và nền đạo đức Việt Nam xuống vực thẳm dần. Khi đạo đức càng đi xuống thì tệ nạn càng gia tăng, bao gia đình tan nát, bao đứa trẻ phải bơ vơ kiếm ăn ở đầu đường xó chợ, và nhất là tuổi trẻ hiện nay mặc sức sống buông mình theo xu thế thời đại mới ấy. Tệ hại hơn nữa là những đứa trẻ khốn khổ được sinh ra trong sự không mong đợi đã bị ruồng bỏ,vứt bỏ khắp nơi, bởi những người chưa hề có sự chuẩn bị làm mẹ, làm cha và không có khả năng nuôi nấng. Rõ ràng, rằng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng là rất nhiều sự thống khổ của con người nói chung, trong đó có biết bao tâm hồn thơ dại đang kêu than bởi sự đau đớn về thể xác.

Trước thực trạng đó, người viết có một trăn trở, là làm thế nào chuyển tải những lời dạy Từ bi của Phật giáo đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo niềm tin cho trẻ em đặc biệt vươn lên trong cuộc sống, để các em có một niềm tin vào Phật pháp, tin vào chính mình, xoá bỏ tự ti mà nổ lực vươn lên từ vũng lầy tội lỗi, và hoà nhập vào cộng đồng với cuộc sống mới hơn, đầy tự tin hơn.

  1. Trẻ em – trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp năm 1992, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể. Vị thành niên là một khái niệm chưa được thống nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lứa tuổi 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên.

Theo luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của nước Việt Nam quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Định nghĩa pháp lý về trẻ em nói chung chỉ tới một đứa trẻ, còn được biết tới là một là một người chưa tới tuổi trưởng thành. “Một trẻ em là một con người ở giữa giai đoạn từ khi sanh và tuổi dậy thì”.

Từ những khái niệm trên chúng ta thấy ở Việt Nam có sự khác biệt giữa định nghĩa về trẻ em với trẻ vị thành niên. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, người viết chọn trẻ em ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hiểu là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật.

WHO đưa ra danh sách những nguyên nhân như sau dẫn tới hiện tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Gia đình tan vỡ, xung đột vũ trang, nghèo đói, các thảm hoạ thiên nhiên và do con người, nạn đói, lạm dụng thân thể hay tình dục, sự khai thác của người lớn, dịch chuyển chỗ ở do di cư, đô thị hoá và quá tải dân số, tiếp nhận và biến đổi văn hoá, không được thừa kế hay không được thừa nhận.

  • Trẻ em đường phố: Trẻ em có thể trở thành trẻ em đường phố vì nhiều nguyên nhân cơ bản: Chúng có thể không có lựa chọn – chúng bị bỏ rơi, mồ côi, hay bị cha mẹ chối bỏ. Thứ hai, chúng có thể lựa chọn sống trên đường phố bởi sự ngược đãi hay bỏ bê hay bởi nhà của chúng không hay không thể cung cấp các nhu cầu cơ bản cho chúng. Nhiều trẻ em cũng làm việc trên đường phố bởi gia đình chúng cần các khoản thu nhập từ đó. Nhưng nhà và gia đình là một phần của xã hội rộng lớn hơn và những lý do bên dưới của sự nghèo đói hay tan vỡ nhà cửa và gia đình có thể là bởi xã hội, kinh tế, chính trị hay môi trường hay bất kỳ sự tổng hợp nào của chúng.

Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi: Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em bị người thân bỏ rơi không chịu nuôi nấng hoặc không có điều kiện nuôi dưỡng do hoàn cảnh như: không đủ khả năng nuôi, học sinh, sinh viên chưa lập gia đình mà sinh con, quan hệ tình dục bừa bãi không có biện pháp phòng tránh thai an toàn nên sinh con ngoài ý muốn … Hiện nay, do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh chưa cưới nhau nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Tư tưởng sống thử trước hôn nhân (tình dục thoáng) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị bỏ rơi ở Việt Nam ngày một gia tăng.

Trẻ em khuyết tật, tàn tật: Là trẻ em bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho sinh hoạt, học tập và lao động gặp nhiều khó khăn.

Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học: Là trẻ em bị dị dạng, dị tật do hậu quả chất độc hóa học. Ở nước ta hơn 30 năm trước, quân đội Mỹ đã rãi hàng tấn chất độc màu da cam(dioxin), một chất cực độc trên đất nước Việt Nam và ảnh hưởng của nó đã làm hàng triệu trẻ em Việt Nam đang phải hứng chịu tật nguyền trọn đời. Nên trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học đa số là nhiễm phải chất độc này.  

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Là trẻ em đã được cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận bị nhiễm HIV/AIDS. Đa số trẻ em nhiểm HIV/AIDS là những nạn nhân bị lây nhiểm bởi người thân. Cuộc sống thiếu đạo đức, phóng túng, quan hệ tình dục bừa bải của giới trẻ hôm nay là tác nhân chính gây ra căn bệnh thế kỷ này ở trẻ em.

Trẻ em bị xâm hại tình dục: Là những trẻ em bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc bị hãm hiếp ở tuổi vị thành niên. Ở nước ta tỷ lệ trẻ em bị xâm hại ngày càng gia tăng. Nguyên nhân do những văn hoá đồi trụy gia tăng và khách quan là những phụ huynh ham lo công việc bỏ bê không quan tâm đến con cái đúng mức, tạo cơ hội cho những phần tử xấu lợi dụng.

Trẻ em vi phạm pháp luật : Là thiếu niên phạm các tội như cướp của, giết người, cưỡng đoạt tài sản công dân, hiếp dâm, cưỡng dâm, sử dụng và mua bán trái phép chất ma tuý, hành hung, tu tập băng nhóm làm mất an ninh trật tự.v.v. Thực trạng trên đây đang là mối lo của toàn xã hội và các bậc cha mẹ trong việc quản lý và giáo dục con cái. Trẻ em nghiện ma tuý: Là những trẻ em sữ dụng các chất gây nghiện như: thuốc phiện (cây anh túc), moor phin (morphin), cần sa (cây Gai dầu, cây Gai mèo, cây Đai ma, Bồ đà...), heroin hay ma tuý tổng hợp (là chất ma tuý được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học toàn phần từ các hoá chất, điển hình là amphetamine).

  1. Phương pháp hoằng pháp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Trẻ em là đối tượng cần quan tâm hơn bao giờ hết. Ðây là thành phần hạt nhân kết nối sự yêu thương trong các mối liên hệ xã hội. Vì thế, trách nhiệm với việc hoằng pháp trẻ thơ có hoàn cảnh đặc biệt không chỉ ở phạm vi mái ấm, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa. Cuộc sống hôm nay từng bước chuyển đổi trong xu hướng thịnh vượng, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta đã ấm no đầy đủ, sự quan tâm đối với trẻ em đặc biệt càng được chú trọng hơn. Nhà nước và các tổ chức cộng đồng, trong đó có Phật giáo đã thực thi chú trọng phương tiện giảng dạy trẻ em học pháp và hành pháp trong sự hình thành nhân cách người Phật tử. Đây chính là chủ thể và cội nguồn cho Phật giáo Việt Nam phát triển lâu dài và có kế thừa liên tục. Vì vậy, trách nhiệm của chư Tăng đối với việc giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng hoặc gián tiếp thông qua các mái ấm Phật tử, hay trực tiếp với một chương trình cụ thể là điều cần thiết. Hoằng pháp bao giờ cũng hướng vào con người cụ thể với những đặc điểm tâm lý riêng về lứa tuổi, giới tính... và những đặc trưng độc đáo trong nhân cách. Do đó, hoằng pháp phải xuất phát từ những đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để đề ra các nội dung, phương pháp phù hợp.

  • Phương pháp áp dụng những giáo lý căn bản

Trước tiên dạy cho các em Tam quy (Quy y Tam bảo): Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật là chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, do trước kia ngài tu hành giác ngộ thành Phật. Pháp bảo là giáo pháp do Đức Phật nói ra chỉ dạy đường lối tu hành. Tăng bảo là những vị tu hành theo giới luật và chánh pháp của Đức Phật. Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương tam bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chính yếu của Đạo Phật.

Chúng ta cho trẻ tiếp xúc các lễ hội Phật giáo nhân ngày Phật đản, Vu lan, ...để thông qua các đại lễ này ươm mầm những hạt giống về ý nghĩa Phật ra đời, những đạo lý cơ bản về hiếu hạnh.v.v. Cùng với sự noi gương, những yếu tố bên ngoài luôn luôn tạo cho trẻ tính kích thích mạnh hơn để trẻ phát triển tư duy. Cho nên yếu tố bên ngoài rất quan trọng với sự phát triển nhân cách của trẻ. Trong trung tâm nuôi dạy hoặc ở lớp học nên có một vài hình tượng Phật, hình tượng Bồ-tát mỗi khi ăn cơm hoặc lên lớp người lớn nên hướng dẫn các em hướng về tôn tượng Phật để vái lạy.

Vì vậy, mặc dù chúng ta không nên phát triển bất cứ hệ thống nào của những lễ nghi, chúng ta không nên quên đi một vấn đề rằng, chẳng hạn một buổi lễ kỷ niệm đơn giản sẽ mang đạo Phật đến gần hơn trong tâm thức của trẻ em. Đối với những nghi lễ cho Phật tử trưởng thành sẽ thêm trói buộc hơn là ích lợi, trong một chừng mực nào đó những lễ nghi có khuynh hướng làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thành tựu điều gì đó duy chỉ bằng sự hành trì của những lễ nghi. Mặc dù những yếu tố triết lý của Đạo phật cốt yếu cho người trưởng thành thì hầu như quá sâu sắc nên trẻ em không thể lãnh hội được. Nhưng khi những yếu tố bên ngoài trợ giúp cho trẻ em chúng ta hướng đến lối sống Phật giáo chúng ta có thể sử dụng một số nghi lễ đơn giản. Trẻ em thích cái đẹp bị nhãn quan kích thích và sự dâng cúng theo định kỳ về hoa tươi, hương trầm, đèn sáng, giúp trẻ em phát triển những thói quen tốt như sự tôn trọng và kính ngưỡng. Thường xuyên cho các em đọc những câu ngắn gọn mang tính đạo đức, lễ phép như: “Em tưởng nhớ Phật, em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, em thương người và vật”…

Ở tuổi này các em rất nhạy cảm và hiếu động, nên những câu chuyện giáo lý trong đạo Phật như, các truyện cổ Phật giáo, câu chuyện tiền thân của đức Phật. Hay các bài kinh ngắn gọn như kinh giáo giới La-hầu-la hoặc giải thích những câu Pháp cú… Để các em nhận chân được điều hay lẽ phải, sống chân thật, biết yêu thương bạn bè và các loài vật. Lúc này, người hướng dẫn cần chú tâm đến từng hành vi, ứng xử của trẻ trong học tập, tâm lý.

Tuần tự chúng ta có thể đọc một trong những truyện cổ Phật giáo hoặc một câu chuyện nào đó rút ra từ chuyện tiền thân, những câu chuyện tái sanh của Đức phật. Không có lý nào những câu chuyện hay như vầy lại bị lãng quên vì tính chất đạo đức của câu chuyện được nhấn mạnh và những yếu tố phi đạo đức được giảng giải một cách cẩn thận và thích hợp. Tại sao chúng ta lại phải tránh không kể cho con em chúng ta những câu chuyện tiền thân? Những câu chuyện này sẽ giới thiệu cho các em về cách suy tư của và những khái niệm của nghiệp và sự tái sanh sẽ thấy một khung cảnh thiên nhiên trong tâm thức các em. Và từ đó một sự hiểu biết về nghiệp và sự tái sanh đòi hỏi tối thiểu về sự phân tích bằng tri thức, những quan điểm có thể được giảng dạy ngay cả cho trẻ em. Thực tế, tòàn bộ giáo lý Đức phật có thể dạy cho trẻ em chỉ khi nào chúng ta có thể trình bày giáo lý trong phương thức thích hợp.

Trong khi sự phát triển nhận thức về những giáo lý của Đạo phật, tâm thức của trẻ em sẽ tuần tự phát triển vào lĩnh vực tinh thần của giáo pháp. Từ đó, các chúng ta có thể đọc một số bài kinh dễ hiểu cho trẻ, chẳng hạn như những bài kinh liên quan đến năm giới và những điều mà một người phật tử tại gia phải làm và không nên làm… Tất cả những điều này trong giới hạn sự hiểu biết của trẻ em.

Để phát triển nhân cách đạo đức cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cần có những phương pháp áp dụng giáo lý căn bản để hoằng pháp cụ thể mang lại hiệu quả như: Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện giới, Lục hoà... Là những điều kiện thiết yếu để xây dựng cho mỗi cá nhân có nếp sống hướng thượng, hoàn thiện bản thân và cũng để thiết lập một đời sống trật tự, bình yên, hạnh phúc tốt đẹp giữa con người với con người.

  • Phương pháp soạn thảo chương trình

Để giáo lý Phật giáo phổ cập đến với mọi hoàn cảnh. Chúng ta cần phải soạn thảo chương trình cụ thể cho từng đối tượng trẻ em đặc biệt như:

Cập nhật thông tin: giúp các em cập nhật những thông tin mới nhất trên báo, tạp chí hay internet,…về Phật giáo hay những vấn đề liên quan đến các em.

Trắc nghiệm kiến thức: khơi tính tò mò, kích thích trí tuệ và để các em liên hệ giữa giáo lý Phật đà với đời sống thực tế, giúp Phật pháp sống động và gần gũi với cuộc đời mà không bị cứng nhắc;

Diễn đạt ý tưởng: tạo cho các em tính tự chủ, sáng tạo; thảo luận đề tài: giúp các em trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm và rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống.v.v.

Tiếp xúc với trò chơi: định hướng ý thức trẻ vào việc học tập. Có thể dạy trẻ những gương tốt đạo đức thông qua việc kể chuyện cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra nhân vật thiện ác, kích thích trí tưởng tượng của trẻ, các loại tình cảm của trẻ thơ. Vì vậy, phải tập trung chú ý, quan tâm nhiều hơn trong việc trẻ ham thích trò chơi.

Kể chuyện: kể những mẩu chuyện tiền thân Đức Phật. Thỉnh thoảng khen thưởng cho quà, hoặc chở trẻ đi chùa tập làm quen và chào hỏi các vị thầy, dạy tập trẻ thưa thầy mở đầu là “A Di Ðà Phật”, “Bạch thầy”..., cúi chào người lớn, nhất là chú ý đến việc trẻ trong cách thức ứng xử các hành vi lễ phép, biết làm chủ về sinh hoạt cá nhân.

Cần phải khéo léo uốn nắn dạy dỗ các em trong việc ứng xử, lễ phép tôn trọng người lớn, hoà thuận với bạn bè và biết học tập những đức tính tốt từ những người trẻ tiếp xúc. Ngoài sự hoằng pháp ở trung tâm, cần kết hợp với nhà trường, cần nắm rỏ được các chương trình học tập ở trường của các em để lồng ghép thêm những chương trình mang tính đạo đức. Cần phải có lịch học và soạn thảo chương trình cụ thể. Dạy cho có em biết tự vượt lên chính mình tự tin gia nhập các hoạt động mang tính tập thể, gia nhập vào gia đình Phật tử để được học các chương trình Phật pháp, tổ chức các cuộc hành hương ở các chùa vào các dịp lể truyền thống Phật giáo.

Đây là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ, thể hiện khả năng hành động theo động cơ gián tiếp. Sự phát triển nhân cách lệ thuộc vào khuôn mẫu hành vi của người lớn mà trẻ em tiếp xúc như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, xã hội... Những dấu ấn ban đầu trên nhân cách trẻ thơ được lưu giữ lại. Sự phát triển nhân cách trong giai đoạn này chỉ đạt được mức độ thấp nhưng diễn ra ở tốc độ cao, bắt đầu xuất hiện khuynh hướng độc lập.

  • Đối với trẻ nhiễm HIV/ AIDS: Đòi hỏi phải có chương trình đặc biệt và  người hoằng pháp cần có chuyên môn về lãnh vực này và một tấm lòng vị tha, vô ngã để đảm đương công tác này.
  • Đối với trẻ khuyết tật: Để tạo niềm tin và nghị lực cho các em thì những tấm gương giàu nghị lực về người khiếm khuyết biết vượt lên chính mình là phương pháp tốt nhất. Câu chuyện thực tế sau đây giữa người đàn bà mù và Thiền sư người Nhật Bản Bankei (Bàn Khuê Vĩnh Trác) có thể giáo dục các em: Một người đàn bà mù hỏi: Con nghe nói người nào thân thể không lành lặn không thành Phật được. Thầy cũng thấy con bị mù, cả đến hình tượng Phật con cũng chưa được lễ bái. Con nghĩ mình sinh làm người không ích lợi gì cả, có lẽ khi chết con sẽ rơi vào cõi xấu. Có cách gì cho người mù cũng tu thành Phật được, xin ngài chỉ giáo cho con.

Sư đáp: Người ta có nói như thế thực, nhưng trong cái Bất sinh mà tôi nói, thì không có phân biệt giữa lành lặn và khuyết tật. Dù bà có bị mù, thì tâm Phật vẫn không có gì khác, đừng hoài nghi. Chỉ cần loại trừ tham sân si, nhận chân những gì tôi đã nói, luôn an trú trong Tâm Phật Bất sinh, thì bà sẽ thành Phật ngay đời này[1]. Những câu chuyện mang đậm tính cách nhân bản của Phật giáo tương tự cũng sẽ là những phương pháp đem lại những giá trị tinh thần cao cho trẻ có hoàn cảnh khuyết tật.

Đối với trẻ lang thang cơ nhỡ: điều trước tiên hoằng pháp cần tạo cho các em một niềm tin, mà nụ cười và nét mặt thân thiện là yếu tố quan trọng. Một khi niềm tin đã được cũng cố chúng ta cần tìm hiểu hoàn cảnh của từng cá nhân để dần dần đưa các em đến với các phương pháp học tập cụ thể ở trên và hoà nhập cùng các bạn học ở hoàn cảnh khác.

Trong thời kỳ Đức Phật không có tổ chức thiếu nhi, không có luật về bảo vệ trẻ em, nhưng ở một đoạn kinh ghi lại cho chúng ta thấy sự quan tâm chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi mà Ngài đã có những hành động can thiệp, cảm hoá những con người xâm hại, bắt cóc trẻ em. Phật không lên án việc bắt cóc trẻ em là một trọng tội và Ngài dạy: “Nếu tôi không vui vẻ, thì kẻ khác cũng không vui vẻ khi tôi cướp đi của họ sự sống và sự sung sướng ấy. Không những thế phàm cái gì mình không ưa thích thì kẻ khác cũng không thích...” Đức Phật cũng ca ngợi tinh thần dũng cảm, lòng tốt vì người của các em trong việc cứu người. Như vậy nếu khơi dây lòng tốt nơi các em chắc chắn lòng tốt đó được nhân lên gấp bội.

Đức Phật cũng đề cập đến thói hư tật xấu của trẻ em cần phải sửa đổi bằng câu chuyện đầy ý nghĩa mà người viết nghĩ rằng nó hoàn toàn phù hợp với độ tuổi và tâm lý các em. Qua câu chuyện Ngài khuyên tất cả các em và ngay cả đối với người, ở đời, tính tình nóng nảy quả thật là một cái tật xấu hết sức tai hại mà chúng ta cầm phải chừa bỏ. Những pháp thoại trong chương trình soạn thảo được đề cập trên cho chúng ta những người đang đi theo con đường của Phật thấy rằng, ngày nay Đức Phật luôn luôn quan tâm đến trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bằng nhiều phương cách khác nhau hoằng pháp, chăm sóc trẻ em với tâm từ của một con người. Có thể nói việc làm của Phật đã nói lên tinh thần của Ngài về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Phật giáo có vô lượng pháp môn đưa người đến cảnh an lạc. Bởi vậy, người hoằng pháp khi soạn thảo chương trình đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngoài tâm lý những nhóm trẻ em điển hình trên, phải luôn luôn thấu hiểu mọi tâm lý, tình cảm và khả năng của các em ở mọi hoàn cảnh khác để đưa ra phương pháp hữu hiệu nhất. Sự tư tin, nghị lực sống và hầu hết những gì các em có được sau khi hoà nhập đều mang dấu ấn của đạo đức, của tình thương mà chúng ta nổ lực ngày hôm nay.

  • Phương pháp mô phỏng giáo lý qua văn hoá phẩm

Đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống dưới hình thức văn hóa phẩm nhằm làm sống động giáo lý và giáo dục dưới một vài hình thức khác ngôn từ làm đa dạng, phong phú phương pháp hoằng pháp. Hơn thế nữa, giúp trẻ em có hoàn cảnh và thể chất đặc biệt tiếp cận và hiểu giáo lý thông qua các văn hoá phẩm như: phim, truyện, ca kịch, các đồ dùng… Bởi thể chất và trình độ của các em không đồng đều khó có thể tiếp thu bài giảng, nên các văn hoá phẩm là phương tiện truyền tải giáo lý hữu hiệu đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt.  

Trên đây là những phương pháp căn bản giúp các em có được cuộc sống ấm no về vật chất và ổn định về tinh thần. Những phương pháp này áp dụng được cho tất cả trẻ em nằm trong hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, để áp dụng triệt để những phương pháp này trong hoằng pháp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì người dạy cần khéo léo vận dụng cho phù hợp với từng hoàn cảnh trẻ. Bởi lẽ, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoàn toàn khác nhau, thể chất và tinh thần khác nhau, sự khiếm khuyết cũng khác nhau nên dẫn đến sự nhận thức về giáo pháp sẽ có sự chênh lệch. Đây chính là trở ngại lớn đối với công tác hoằng pháp. Vì vậy, đòi hỏi người hoằng pháp cần có tâm nhiệt huyết tràn đầy và một nghị lực lớn để duy trì công tác trong thời gian dài. Hơn thế nữa những người hoằng pháp cần có một tấm lòng từ bi rộng lớn, với tinh thần vô ngã,vị tha. Tuy nhiên, chỉ tình thương thôi thì chưa đủ, chúng ta phải có sự hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của các em, phải hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện sống của các em; phải có sự khéo léo, thông minh; phải có sự kiên trì, nhẫn nại và phải có một tâm hồn tươi trẻ.

  1. Ý nghĩa thực tiễn hoằng pháp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
  • Tinh thần trách nhiệm cá nhân

Brihad Aranyaka Upanishad nói: “Bậc chân tri sau khi chết sẽ vượt qua không gian lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng”. Cõi hạnh phúc vĩnh hằng là đích cuối cùng cho những người trải qua quá trình tu tập và đạt giải thoát thực sự. Còn những kẻ tội lỗi phải chịu sự chi phối của định luật nghiệp báo, trong vòng luân hồi cho tới khi dứt nghiệp và đạt được chân tri giải thoát. Yếu tố giải thoát được Bà La Môn giáo diễn tả rằng khi nào con người đi vào con đường tu tập của thần linh, thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng về vật chất, đồng nhất được Brahman (Đại ngã) với Atman (Tự Ngã) khi ấy con người mới được giải thoát. Trong khi Phật giáo lại chủ trương Vô ngã, tất cả vạn vật đều không có cái ta riêng biệt. Giáo lý Vô Ngã là giáo lý đặc sắc và tiêu biểu của Phật giáo. Trong Kinh Tiểu Ngã, đức Phật dạy các vị Tỳ Kheo:

Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: "Cái kia có, cáinày có". Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh. Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ sau khi chứng đạt, đã an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh (Sunnatam), tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều chỉ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này.[2]

Nếu theo giáo lý Duyên Khởi thì chính con người tự chịu trách nhiệm với những gì mà gây ra. Nghiệp chi phối con người chứ không phải là đấng quyền năng hay đấng sáng tạo nào quyết định. Con người trong Phật giáo được đặt ở vị trí trung tâm. Đức Phật dạy trong Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt rằng con người bị đọa lạc và cảnh giới xấu ác chính là hành động của chính họ tạo ra chứ không phải do đấng Sáng tạo[3].

Như vậy tinh thần chịu trách nhiệm cá nhân đối với mỗi người hoằng pháp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong nhận định của Phật giáo thể hiện tính hoằng pháp đối với xã hội một cách rõ nét nhất.

  • Tinh thần trách nhiệm với xã hội

Vấn đề trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đang được tất cả mọi gia đình, mọi quốc gia, mọi tôn giáo quan tâm. Trên đại thể, lứa tuổi này trưởng thành tùy vào môi trường giáo dục của từng gia đình, từng xã hội và đồng thời tác động của từng gia đình đó, xã hội đó theo những cách khác nhau.

Điểm đáng chú ý trẻ em là nguồn nhân lực quan trọng của quốc gia. Do vậy, hoạt động hoằng pháp luôn phải quan tâm đến tâm tư tình cảm, nếp sinh hoạt, sự phát triển nhân cách đạo đức, tri thức… của thế hệ trẻ là phải bàn đến điều chính yếu đó là nhân tố đạo đức con người trong việc tổ chức giảng dạy và giảng pháp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt – nhân tố quan trọng nhất trong vấn đề hộ quốc an dân, xương minh chính pháp mang tính bền vững.

Sự tiếp nhận giáo lý Phật giáo ngay từ lứa tuổi thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất định tới niềm tin và lối sống của các em. Đạo đức Phật giáo dạy bảo các em loại bỏ “tam độc” (tham, sân, si), hướng về thập thiện, thấu hiểu lý nhân quả, duyên khởi, để hướng thanh thiếu niên hiện nay đến cuộc sống với các giá trị chân, thiện, mỹ, xa rời những tệ nạn xã hội.

Với phương pháp và cách thức đào tạo các thanh thiếu niên  hiện nay như vậy của hoằng pháp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp cho các em tránh xa được những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm,… tạo cho các em có nếp sống hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi, sống có trên có dưới, chan hòa đầm ấm. Những em đó có điều kiện lớn lên trở thành những công dân tốt, có đạo đức, năng nổ, có ảnh hưởng tốt tới công tác an ninh trật tự xã hội, đóng góp trong nhiều lĩnh vực xã hội. Giáo Sư Tiến Sĩ Russell N. Cassell có viết: “Hướng dẫn được con người là một khoa học: Trước là tìm giúp người này tự tìm hiểu lấy mình. Hai là tìm cách giúp họ nhận định rõ ràng những điều hiểu biết ấy về bản thân mình. Ba là tìm cách giúp họ nhận lấy trách nhiệm về sự tự do lựa chọn.Và sau hết tìm cách giúp họ tự vạch lấy một con đường lối hành động ăn khớp với sự lựa chọn đó”.

KẾT LUẬN

 “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – trẻ em khi sinh ra bản tính đều lương thiện giống nhau, nhưng khi lớn lên trong những môi trường khác nhau thì sẽ hình thành tính cách khác nhau. Trẻ được lớn lên và nuôi dạy trong môi trường tốt thì sẽ trở thành người tốt và ngược lại. Do đó, việc nuôi và dạy trẻ em rất khó, mà việc nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt lại càng khó hơn.

Hoằng pháp Phật giáo là đánh thức, đánh thức được tâm ý con người. Trong con người chúng ta đều có hai hạt giống, hạt giống tốt và hạt giống xấu. Nếu ta đánh thức được hạt giống tốt, chăm sóc cho nó cẩn thận thì kết quả gặt hái được là một cái cây xanh tốt ra hoa kết trái và ngược lại. Trẻ em cũng như vậy, nếu chúng được nuôi dạy trong môi trường tốt thì sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Hoằng pháp cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn chính là hình thức phục hồi chức năng cho trẻ, đó là sự kết hợp giữa chăm sóc và hướng nghiệp để sau này các em có thể tự kiếm sống để nuôi bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

THÍCH VIÊN HIẾU

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kinh Pháp Cú, Thích Thiện siêu dịch, NXB Tôn Giáo, 2000.
  2. Thích Minh Châu, Tâm Từ Mở Ra Khổ Đau Khép Lại, NXB Tôn Giáo, 2006.
  3. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo và Hạnh Phúc Con Người, NXB Tôn Giáo, 2002.
  4. Will Durant, Câu Chuyện Triết Học, Bửu Đính-Trí Hải dịch, Đại Học Vạn Hạnh,1971.
  5. Nguyễn Văn Đông, Tâm Lý Học Phát Triển Giai Đoạn Thanh Niên Đến Tuổi Già, NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội, 2007.
  6. Thích Chơn Thiện, Tăng Già Thời Đức Phật, NXB Tôn Giáo, 2000.
  7. Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pa-Li, NXB TP HCM.
  8. Lê Mạnh Thát (chủ biên) Phật Giáo Thời Đại Mới-Cơ Hội Và Thách Thức, viện NCPHVN, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2005.
  9.  K.Sri Dhammananda, Chúng Ta Làm Gì Trước Nhũng Tệ Nạn Xã Hội, Thích Tâm Quang dịch, NXB tôn Giáo, 2005.
  10.  Lê Văn Hồng(chủ biên), Tâm Lý Học Lứa Tuổi Và Tâm Lý Học sư Phạm, NXB Hà Nội.
  11.  Nguyễn Thị Quyết-Nguyễn Thị Xuân Hoà, Tâm Lý Học Lứa Tuổi, Tài liệu giảng dạy trường Đại Học Sư Phạm- Huế, Khoa Tâm lý-Giáo Dục, 2003.
  12.  Kỷ Yếu Đai Hội Hoằng Pháp kỳ III (4-5 đến 9-5-1996), Tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
  13.  GHPGVN, Ban Hoằng Pháp TW, Kỷ Yếu Toạ Đàm Sứ Mệnh Hoằng Pháp Thời Hiện Đại, 2007.
  14.  Luật Bảo Vệ, Chăm Sóc và Giáo Dục Trẻ Em, sửa đổi bổ sung theo Nghị Quyết số 51/2001/QH10, ngày 25 /12/2001 Quốc Hội Khoá X, kỳ họp thứ 10
  15.  http//www.daophatngaynay.com.
  16.  http//www.phattuvietnam.net.
  17.  http//www.chinhphu.vn.
  18.  http//www.phapluatxahoi.vn.
  19.  http//www.phatquang.com.vn.

[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/.

[2]Thích Minh Châu Dịch Việt, Kinh Tiểu Không(Cùlasunnata Sutta), Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya),

[3]Ở đây, này Ananda, người nào từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cói dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.... Do vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Và ai ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác”. Thích Minh Châu dịch Việt, Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt (Mahàkammavibhanga), Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya)

 

Video
Tin nhiều người đọc
Back to top