Hoạt động nghi lễ tại tỉnh Hà Nam, phat giao ha nam

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Hoằng Pháp Hoằng Pháp

Hoạt động nghi lễ tại tỉnh Hà Nam

Nghi lễ Phật giáo là một trong nhiều phương tiện hoằng pháp khiến mọi người đến với đạo nhanh chóng và hữu hiệu. Trong một buổi nói chuyện về âm nhạc Phật giáo, Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê khẳng định:“Tán tụng Phật giáo không phải là tán tụng để chơi, mà mỗi câu, mỗi bài đều mang ý nghĩa nhiệm màu, gắn liến với những giáo lý, chuyển tải hình tượng Phật giáo” [92, tr.43].  Theo đây, sở dĩ hoằng pháp bằng hoạt động nghi lễ thường đạt hiệu quả cao vì có bốn yếu tố:

  • Âm nhạc: Khơi dậy cảm thức thẩm mỹ thiêng liêng của người nghe.
  • Giáo lý: Mỗi bài tán tụng đều hàm chứa những giáo lý sâu sắc.
  • Nghi thức: Hình thức trang nghiêm, chuẩn mực dễ khiến cho người khác sinh tâm cung kính, cảm mến.
  • Không gian: Trầm lắng dễ khiến đi sâu vào lòng người.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực thực sự đã mang đến cho con người không chỉ về mặt tinh thần mà còn đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa, dân tộc, đào tạo nhân cách con người. Nghi lễ Phật giáo tồn tại bấy lâu nay là một nét của hoạt động hoằng pháp.

Nghi lễ cần cho Tăng, Ni để áp dụng vào đời sống tu tập hằng ngày và có thể xem đó là giới để hành trì nhằm hướng tới an định tâm. Nghi lễ cũng là phương tiện đóng vai trò quan trọng để bảo lưu, truyền bá Phật pháp và đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ. Các hoạt động nghi lễ bao gồm các khóa lễ và đại lễ.

2.3.1. Các khóa lễ cơ bản

Khóa lễ thường ngày bao gồm 4 thời cúng tại các tự viện: sáng, trưa, chiều và tối. Các khóa lễ thường ngày là những thời khóa hành trì mang tính bắt buộc đối với các Tăng, Ni tại các chùa.

Thông qua các thời khóa này, các Tăng Ni tinh tấn thêm trên con đường đạo pháp. Việc thực hành khóa lễ hằng ngày là cần thiết và quan trọng. Đây chính là phương tiện quan trọng nhất để Tăng, Ni kiểm soát được tâm mình trong quá trình hoạt động hoằng pháp tại địa phương.

 Đại lễ: Với những đặc thù truyền thống của từng địa phương, từng vùng, thực hiện được hình thức nghi lễ thống nhất trên toàn quốc là việc khó áp dụng. Tuy nhiên, trên đại thể tinh thần Phật giáo, hoạt động nghi lễ đã được chấp nhận thống nhất về hình thức và một số nội dung dành cho các ngày lễ lớn hằng năm như Phật đản, Vu lan, Thành đạo và các lễ tưởng niệm… trong hoạt động hoằng pháp tại tỉnh Hà Nam.

  • Lễ Phật đản:

Đại lễ Phật đản là lễ kỉ niệm ngày Phật đản sinh được tổ chức vào ngày rằm tháng tư âm lịch. Đây là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo nói chung, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam nói riêng, có sự hướng dẫn chỉ đạo của Ban Trị sự tổ chức trọng thể đại lễ tại các chùa, các địa phương. Hoạt động này thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo tham gia, các chùa bắt đầu các khóa lễ từ đầu tháng tư âm lịch. Quy mô hoạt động tổ chức lễ Phật đản tại các trung tâm Giáo hội thuộc cấp Tỉnh. Địa điểm tổ chức đại lễ có thể ngay trong khuôn viên chùa, cũng có thể tại khu vực công cộng.

Năm 2008, cả nước có 55 lễ đài tập trung cấp tỉnh, trong đó có 36 đơn vị tổ chức tại trung tâm văn hóa, công viên, quảng trường… tại tỉnh Hà Nam có khoảng từ trên một nghìn đến vài nghìn Tăng Ni tín đồ Phật tử tham dự.

Hầu hết tại lễ đài tập trung của tỉnh, đều có các hoạt động như: tổ chức đêm văn nghệ với nội dung kính mừng Phật đản sinh; thuyết giảng về ý nghĩa, lịch sử đức Phật; tổ chức lễ quy y Tam Bảo; các hoạt động ý nghĩa về môi trường,… Đây đều là các hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Hà Nam.

  •  Lễ vu lan

Hằng năm cứ vào tháng bảy âm lịch, tín đồ Phật giáo và đông đảo quần chúng nhân dân lại nô nức đón chào mùa lễ hội Vu lan - mùa báo hiếu. Sự tích Vu lan báo hiếu gắn với sự tích Ngài Mục Kiền Liên. Thông qua câu chuyện gia đình Mục Kiền Liên, đức Phật đã dạy cho ngài Mục kiền Liên và các đệ tử cách báo hiếu và cầu siêu sinh tịnh độ cho gia tiên, cụ, kị, ông, bà, cha, mẹ, cùng các sinh linh. Đến nay, nghi thức này thành một lễ hội thiêng liêng không chỉ của những tín đồ Phật giáo mà cả những người chưa quy y hay không phải tín đồ Phật giáo.

Vu lan thành một lễ hội báo hiếu phả độ gia tiên được nhiều người tham dự nhất. Hoạt động lễ hội vu lan như sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cửu huyền thất tổ và con cháu. Vu lan cũng nhắc nhở công lao nuôi dưỡng của tổ tiên, ông bà, bố mẹ và tổ quốc.

Vì vậy, nhân lễ Vu lan được tổ chức theo sự hướng dẫn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, Ban nghi lễ. Các hoạt động thiết thực tổ chức lễ cầu siêu chẩn tế, bạc độ chư hương linh được siêu sinh tịnh độ; lễ dâng pháp y cúng dường chư Tăng; tổ chức lễ cài bông hồng; thuyết giảng ý nghĩa lễ Vu lan báo hiếu cho Phật tử và quần chúng nhân dân.

Ngoài ra, một số nơi tổ chức thuyết giảng, hội thảo, tọa đàm, pháp thoại, chiếu phim, văn nghệ với chủ đề vu lan báo hiếu, suối nguồn phụ mẫu. Bên cạnh đó là một số hoạt động hoằng pháp như: tổ chức ủy lạo chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thương bệnh binh, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang, đài liệt sĩ, các tượng đài…

- Đại lễ kỳ siêu trong hoạt động hoằng pháp

Cầu siêu không chỉ được thực hiện trong dịp Vu Lan. Hằng năm, GHPGVN tỉnh Hà Nam tổ chức giới đàn kỳ siêu. Đại lễ kỳ siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã thể hiện lòng tri ân sâu sắc của GHPGVN tỉnh Hà Nam, chính quyền, các giới, các ngành và đồng bào đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, cũng là hoạt động chia sẻ mất mát đau thương với các gia đình chiến sĩ Cách mạng, cũng như biết ơn đối với những người chiến sĩ Cách mạng hy sinh vì nước.

2.3.2. Pháp phương tiện

Hoạt động phục vụ cho nhu cầu Phật tử được hiểu là những hoạt động mà nhà chùa hay các Tăng Ni tiến hành theo yêu cầu của Phật tử. Các lễ này bao gồm: lễ cầu an, dâng sao giải hạn, cầu siêu, bán khoán…

- Lễ cầu an:

Lễ cầu an được tổ chức vào đầu năm, thường trong tháng giêng âm lịch, mục đích cầu Phật gia hộ mang lại một năm mới tốt lành, bình an cho cá nhân hoặc gia đình.

 Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam cũng đã có chỉ đạo chương trình tổ chức lễ cụ thể tại các cơ sở thờ tự nhưng chủ trương này chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh. Nội dung hoạt động lễ cầu an tại các chùa đa phần giống nhau, nhưng hình thức và quy mô mỗi chùa mỗi khác, tùy thuộc vào trụ trì nhà chùa và số lượng tín đồ Phật tử tham gia. Hoạt động này có hai hình thức chủ yếu: tổ chức một lần duy nhất vào một ngày cố định và tổ chức nhiều lần vào nhiều ngày khác nhau.

- Lễ dâng sao giải hạn

Các loại sao thường được cúng giải hạnh là La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch. Các cá nhân gặp năm tiểu hạnh rơi vào những sao này thường ra chùa làm lễ, hoạt động lễ dâng sao tương tự như lễ cầu an.

Hoạt động này không được nhắc đến trong các quy chế nghi lễ chỉ đạo các tự viện của HĐTS, nhìn chung không được khuyến khích. Các chùa chủ yếu phổ biến tổ chức pháp hội tụng kinh Dược Sư cầu an đầu năm cho tín đồ Phật giáo, cầu nguyện có đầy đủ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mọi người đều an lạc. Trong những năm gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam đã khuyến khích các chùa thể hiện hình thức Pháp hội Dược Sư cầu nguyện quốc thái dân an vào dịp đầu xuân mới.

- Lễ cầu siêu, lễ đưa vong lên chùa

Cầu siêu là hình thức lễ cầu mong cho vong hồn người đã khuất được siêu thoát. Khác với đại lễ kỳ siêu đã nói ở trên, hoạt động kỳ siêu này chỉ đáp ứng nhu cầu của một gia đình. Gia đình có người mất trong vòng từ 35 đến 49 ngày thực hiện lễ cầu siêu cho vong lên chùa. Đối với người trong gia đình lễ này có hai mục đích: thứ nhất, cho vong hồn người thân được siêu thoát, không đọa vào địa ngục; ngạ quỷ; súc sanh. Thứ hai, xuất phát từ quan niệm dân gian và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rằng vong hồn người mất vẫn còn sự liên hệ với người còn sống bằng cách giáng phúc, họa, người trong gia đình tin rằng vong hồn người mất đã được siêu thoát thì vong hồn người mất sẽ không gây họa cho con cháu hay người thân mà ngược lại phù hộ độ trì mang lại cho họ những điều may mắn tốt lành.

Đưa vong lên chùa ngày nay đã có quan niệm thay đổi. Người ta tin rằng đưa vong hồn người mất lên chùa là mang lại sự tốt lành cho người chết và cả cho người sống. Đối với người chết về nơi cửa Phật, ăn mày cửa Phật, để có được đời sống tốt hơn trong đời kế tiếp hoặc siêu thoát không còn phải đầu thai hoặc nếu có đầu thai cũng đầu thai làm người, có cuộc sống tốt lành. Đối với gia đình có người chết là sự an tâm rằng người chết không mang lại tai họa và nuôi dưỡng niềm tin rằng môi trường tốt lành sẽ giúp vong hồn người chết sẽ có tác động tốt trở lại cuộc sống đối với của họ.

- Lễ bán khoán

Lễ bán khoán được thực hiện cả ở chùa và đền theo ý muốn của những tín đồ có trẻ nhỏ. Người ta quan niệm rằng những đứa trẻ khó nuôi hay kém ăn, hay ốm yếu được đem bán cho làm con của Phật, Thánh… thì được Phật, Thánh phù hộ dễ nuôi lớn, thông minh hơn người. Bán khoán cửa Phật, Mẫu hay Thánh là tùy thuộc vào căn của đứa trẻ. Đứa trẻ được bán khoán đến năm 13 tuổi bố mẹ lại phải làm lễ chuộc về.

Như vậy, hoạt động nghi lễ là một trong những giải pháp mang tính tâm linh, được Phật giáo lựa chọn để giúp giải quyết một số nhu cầu của các thành viên trong xã hội đương đại và nó thực sự thể hiện sự hữu ích và chỉ ra đời và tồn tại trên nền tảng niềm tin nhận được sự trợ giúp tâm linh.

Các nghi lễ Phật giáo chính là một hình thức, phương tiện cứu độ chúng sinh. Đó là sự áp dụng giáo lý Phật giáo, sử dụng phương tiện Phật giáo để giải quyết vấn đề xã hội. Trên thực tế, hoạt động này cũng là phương tiện hoằng pháp vì đem lại tâm an lành, giải tỏa stress, những áp lực ngày càng gia tăng của xã hội hiện đại cho các tín đồ.

Kết quả khảo sát của chúng tôi tại tỉnh Hà Nam đã cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động nghi lễ trong đời sống tâm linh của tín đồ. Hoạt động này là cách thức đưa Phật giáo cuộc sống thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống đời thường thông qua tôn giáo trên ba lĩnh vực: an định tinh thần, sức khỏe và kinh tế. Hoạt động hoằng pháp hướng đến mục tiêu an định tinh thần, là phương tiện giáo hóa chúng sinh, giúp tín đồ Phật tử gắn bó với đạo. Nhìn dưới góc độ như vậy, giải quyết vấn đề cuộc sống đời thường thông qua hoạt động nghi lễ chính là đưa phương pháp để Phật giáo giải quyết vấn đề xã hội. Các nghi lễ Phật giáo đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận tín đồ thuộc các lứa tuổi, giới tính và tầng lớp xã hội, một mặt thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mặt khác duy trì và phát triển Phật giáo.

Trong những năm qua, các hoạt động nghi lễ đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam triển khai có hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống dân gian được tổ chức ở chùa có quy mô lớn và thu hút được sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp, quần chúng nhân dân trong tỉnh, vùng và cả nước như: lễ hội phát lương thực tại chùa Tiên, huyện Duy Tiên…. đặc biệt là các lễ hội chính của Phật giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ cầu an, cầu siêu, kỵ húy Tổ sư, lễ hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, đại lễ cầu siêu cho anh linh của các anh hùng liệt sĩ ngày 27 tháng 7, các lễ tiết Phật giáo ngày rằm, mồng 1, lễ thượng nguyên, lễ kỷ niệm ngày đức Phật xuất gia, kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo và nhập Niết bàn… đã được các chùa tổ chức trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong địa bàn Tỉnh.

Thích Viên Hiếu

Video
Tin nhiều người đọc
Back to top