phat giao ha nam, phật giáo hà nam

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Hoằng Pháp Hoằng Pháp

Tổ chức giảng dạy và giảng pháp

Thanh thiếu niên đã quy y Tam bảo

Đây là một nhiệm vụ quan trọng của hoạt động hoằng pháp. Hiện nay, chương trình tu học dành cho thanh thiếu niên được thể hiện trong hệ thống hoạt động hoằng pháp Phật giáo.

Hệ thống hoạt động hoằng pháp Phật giáo với tư cách là một tổ chức tu học và rèn luyện đạo đức của thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo, luôn lấy giáo lý đạo Phật làm cốt lõi, làm nền tảng tư tưởng và đạo đức, có ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của thanh thiếu niên tín đồ trong thời gian nhất định.

Nội dung chương trình tu học tập trung trên hai phương diện: “đức” và “trí” với nguyên tắc là “lý nhân duyên sinh” được áp dụng cho từng đối tượng, từng lứa tuổi, xây dựng cho thanh thiếu niên một lối sống đạo đức, trí tuệ, kỹ năng.

Nội dung này được thể hiện rõ trong chương trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt, từ việc học Phật, lễ Phật, văn nghệ thường thức đến các hoạt động thanh niên xã hội, chương trình học tập của các em không chỉ có các lý thuyết mà còn bao gồm cả phần thực hành giúp các em có sự hiểu biết toàn diện.

Với nội dung “đạo đức”, các thanh thiếu niên được giảng dạy về đạo đức thanh niên và giáo lý nhà Phật. Cũng trong nội dung này, các em còn được giảng dạy cách thực hành nghi lễ nhà Phật theo trình độ từ thấp đến cao. Chương trình chủ yếu là những điều căn bản về Phật học.

Việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt đều có sự khác nhau, phù hợp với trình độ nhận thức, vì vậy cần tổ chức giảng dạy và giảng pháp theo từng  lứa tuổi.

Lứa tuổi từ 7 - 12 tuổi. Lứa tuổi này chủ yếu tập trung vào giáo dục niềm tin, xây dựng niềm tin bằng những hành động cụ thể như vào chùa lễ Phật, cúng dường tam Bảo, thăm các cơ sở thờ tự Phật giáo, dạy cách kính lễ chư Tăng… Bằng những ví dụ sinh động hay những hành động cụ thể giáo dục các em hướng về tình thương đồng loại, cảnh vật. Nội dung sinh hoạt cũng hướng tới văn hóa đạo đức xã hội như chỉ bảo cho các em những điều lễ nghĩa như chào hỏi ông bà, bố mẹ, khi ra khỏi nhà và khi về nhà, lễ phép với người lớn tuổi. Mục đích là giúp các em trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết lễ phép, biết thương yêu tôn trọng mọi loài, biết quý cảnh vật xung quanh.

Lứa tuổi từ 13 - 17 tuổi. Lứa tuổi này các em đã có suy nghĩ và nhận thức độc lập. Chương trình học của các em được nâng cao hơn, tính giáo lý nhiều hơn. Các em được trau dồi kiến thức về Thập Thiện, Nhân duyên sinh khởi, Nhân quả, Giới - Định - Tuệ. Mục đích là hướng cho các em đến cuộc sống lương thiện, ở hiền gặp lành, không sát sinh, không trộm cướp…

Từ 17 tuổi trở lên. Các em có chương trình giáo lý cao hơn và học thêm những kiến thức. Đồng thời cũng chú trọng những kiến thức xã hội. Mục đích là hướng các em đến ý thức dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, nhân loại, chống lại sự cám dỗ ngoài xã hội…

Với nội dung “trí”, chương trình đào tạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên một số kiến thức về văn hóa, lịch sử…, rèn luyện khả năng về Văn- Thể - Mỹ. Nội dung hoạt động của Ban Hoằng pháp tỉnh Hà Nam thường hướng vào chủ đề có ý nghĩa nhân mùa Phật đản, Vu lan, Trung thu, Phật thành đạo, Thượng nguyên,…

Cũng trong thời gian chư Tăng, Ni an cư kiết hạ hằng năm, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, các chùa trong địa bàn tỉnh Hà Nam đã tổ chức khóa tu mùa hè với mục đích gieo duyên lành Phật pháp đến với các bạn thanh thiếu niên, học sinh như chùa Bảo Lộc tại thành phố Phủ Lý, chùa Hòa Mạc, chùa Địa Tạng, chùa Linh Quang, Chùa Quế Lâm, Chùa Ninh Tảo… diễn ra trong hai ngày với gần 3.000 thiện sinh toàn tỉnh tại các chùa, học sinh trường THPT toàn tỉnh  đăng ký tham gia.

Ngoài việc tu học, các em còn tham gia các hoạt động xã hội; tham gia các hoạt động từ thiện, cứu trợ thiên tai, phát thuốc, hướng dẫn đồng bào phòng chống dịch bệnh… với tinh thần thiện nguyện.

Với chương trình đó, giúp các em hiểu được ý nghĩa cốt yếu của đạo Phật. Các em đến chùa trong tĩnh lặng, cung kính, không phải mục đích cầu tài, cầu lộc với những lễ vật không phù hợp với giáo lý đạo Phật như những thanh niên khác.

Phương thức này đã có ảnh hưởng không nhỏ hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan, lối sống của thanh thiếu niên Phật tử.

Trong chừng mực nhất định, nó đã giúp cho thanh thiếu niên tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con người tốt, sống nhân ái, khoan hòa với mọi người, chân thành, yêu thương giúp đỡ mọi người; có thái độ tôn trọng và khiêm tốn, tránh được lòng tham, tính kiêu căng tự mãn, không chấp nhận mê tín dị đoan.

Có thể nói chương trình giảng và dạy này của Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Hà Nam hướng đến sự phát triển toàn diện của con người. Từ đó, mỗi con người tùy theo năng lực các nhân mà lựa chọn hướng đi đúng đắn cho bản thân.

Nhiều huyện trong tỉnh cũng đã mở các lớp học Phật pháp, tổ chức hội thi giáo lý, thọ Bát quan trai, khuyến khích thanh thiếu niên phật tử tham gia các ngày lễ truyền thống Phật giáo và dân tộc…

Những bài học thực hành đã góp phần tu dưỡng đạo đức cho thanh thiếu niên Phật tử đồng thời cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, kỹ năng sống để đối phó nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Ban Hoằng pháp tỉnh Hà Nam đã nghiên cứu và áp dụng các phương thức tu học cho thanh thiếu niên như: Phương thức kể chuyện đạo, nêu gương người tốt việc tốt, noi theo những tấm gương mẫu mực, gắn liền việc đi chùa với giáo dục con cháu, giáo dục gia phong, các câu lạc bộ cho Thanh thiếu niên… điều này đã thể hiện dấu hiệu tích cực trong hoạt động hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam, đã đi sâu vào hình thức tổ chức, áp dụng giáo lý thích hợp trong công cuộc hoằng pháp đối với thanh thiếu niên. Dần dần, các em sẽ biết hình thành nhân cách hoàn thiện sống có ích và thực hiện ước mơ hoài bão theo định hướng của xã hội yêu cầu.

Hoạt động này của công tác hoằng pháp không ảnh hưởng tới sự tham gia các hoạt động đoàn khác của thanh thiếu niên. Theo khảo sát vào tháng 11/2017 của người viết tại tỉnh Hà Nam, 90% thanh thiếu niên Phật tử đều có tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức đội cơ sở.

Ban Hoằng pháp tỉnh Hà Nam đã mở các lớp giảng dạy, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên rèn luyện nâng cao các lĩnh vực về phương diện trí tuệ và kỹ năng. Đào tạo hướng dẫn một số kiến thức văn hóa, lịch sử, mỹ thuật Phật giáo, đạo đức lối sống… về kỹ năng giảng dạy hướng dẫn, kỹ năng hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động cắm trại, giao thông, hoạt động văn nghệ và các sinh hoạt cộng đồng khác. Một số kỹ năng sống cũng được dạy như: nữ công gia chánh, cách băng bó, xử lý vết thương, cấp cứu người chết đuối… Những hoạt động này giúp cho các em thanh thiếu niên phát triển trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, độ nhạy cảm, từ đó hình thành tính năng động, tự tin, bản lĩnh; hình thành tác phong tháo vác, năng động trong cuộc sống.

Hoạt động hoằng pháp giảng dạy cho thanh thiếu niên được diễn ra ở nhiều chùa trong địa phương được đánh giá khá tốt. Ban Hoằng pháp tỉnh cũng đã có tổ chức các hội thi giáo lý cho hàng trăm thanh thiếu niên tín đồ Phật tử tại các huyện và thành phố.

Năm 2015 mở hội thi có hơn 150 thí sinh toàn tỉnh tham dự. Năm 2016, có hơn 200 thanh thiếu niên tại các chùa trong tỉnh tham dự. Số lượng này tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Từ 2017 trung bình tăng thêm số lượng 50 thanh thiếu niên tín đồ Phật tử các huyện của tỉnh tham dự. Thông qua các hội thi này, đã chọn lựa những thí sinh xuất sắc tham dự hội thi giáo lý của Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Nhìn chung, chương trình tu học cho thanh thiếu niên Phật tử của Phật giáo tỉnh Hà Nam là một lĩnh vực quan trọng, cần thiết, và luôn luôn được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian để đáp ứng và thích ứng những nhu cầu thời đại nhằm phát triển cá nhân và cộng đồng trên lĩnh vực tinh thần.

 Thông qua đó mà yếu tố tinh hoa, cốt tủy của Phật giáo chuyển tải vào cuộc sống đời thường. Hoạt động này của Ban Hoằng pháp tỉnh Hà Nam hướng theo đúng phương châm Giáo hội nhằm mang lại cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.  Mục tiêu xây dựng hoạt động hoằng pháp của tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn là một trong những mục tiêu phát triển Phật giáo tỉnh Hà Nam trong thời gian tới.

Hình ảnh ghi nhận:

Thanh thiếu niên chưa quy y

Ngoài những thanh thiếu niên đã quy y, trong hoạt động hoằng pháp tỉnh Hà Nam còn hướng tới cả những thanh thiếu niên chưa quy y.

Vấn đề thanh thiếu niên hiện nay đang được tất cả mọi gia đình, mọi quốc gia, mọi tôn giáo quan tâm. Trên đại thể, lứa tuổi này trưởng thành tùy vào môi trường giáo dục của từng gia đình, từng xã hội và đồng thời tác động của từng gia đình đó, xã hội đó theo những cách khác nhau.

Điểm đáng chú ý thanh thiếu niên là nguồn nhân lực quan trọng của quốc gia. Do vậy, hoạt động hoằng pháp luôn phải quan tâm đến tâm tư tình cảm, nếp sinh hoạt, sự phát triển nhân cách đạo đức, tri thức… của thế hệ trẻ là phải bàn đến điều chính yếu đó là nhân tố đạo đức con người trong việc tổ chức giảng dạy và giảng pháp cho thanh thiếu niên - nhân tố quan trọng nhất trong vấn đề hộ quốc an dân, xương minh chính pháp mang tính bền vững.

Thanh thiếu niên là giai đoạn trẻ phát triển và biến động về tâm sinh lý phức tạp, tác động khá mạnh vào sự định hình nhân cách. Giới tính định hình, nó quy định tính cách, nhận thức và sự thể hiện ra bên ngoài qua các hành vi ứng xử khác nhau giữa nam và nữ. Lúc này xuất hiện những khuynh hướng phát triển khá đặc biệt về biến chuyển tâm lý như: mong muốn tự khẳng định mình nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng lại lời dạy của thầy cô, cha mẹ, hoặc tranh cãi với bạn bè. Các em bắt đầu biết xấu hổ, biết tự kiêu, biết làm đẹp, thích được thỏa mãn các mong muốn như được đi chơi, được xem các trò chơi, tivi, game... Nếu không đáp ứng hoặc đáp ứng nhu cầu, không đúng do nuông chiều của cha mẹ thì dễ dẫn đến hư hỏng.

Gần đây, tình trạng trong một số thanh thiếu niên có những biểu hiện của lối sống thực dụng, sa đà vào những thú vui làm mất sức khỏe và tàn phá tâm hồn, ý thức hạn hẹp về vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc sống... đã tạo nên những vấn nạn cho xã hội.

Môi trường của các em tiếp xúc lúc này khá rộng, hiểu biết nhiều, vì vậy, phải dành nhiều thì giờ chăm lo để thanh thiếu phát triển nhân cách theo định hướng của gia đình Phật tử. Liên lạc thường xuyên với các thầy cô giáo để theo dõi việc học, tìm hiểu bạn bè của các em để nắm rõ tình hình sinh hoạt ở bên ngoài.

Khi có điều kiện sinh hoạt chung như, liên hoan, kỷ niệm những ngày lễ truyền thống Phật giáo... cần có chương trình nói rõ ý nghĩa lễ và khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ niềm vui với người khác, cũng như giảng rõ về sự bất hạnh đối với ai thiếu tình thương với cha mẹ.

Người hoằng pháp phải khéo léo giảng dạy các em về niềm tin và lẽ sống; tin Tam bảo, tin nhân quả, dạy phân biệt chính tà, thiện ác, nhất là biết tin vào chính mình. Có điều kiện nên cho các em đi chùa cùng với nhau để bước đầu học hỏi giáo lý, sự Quy y và biết sống theo năm giới như một nếp sống đạo đức Phật giáo. Là những điều kiện thiết yếu để xây dựng cho mỗi cá nhân có nếp sống hướng thượng, hoàn thiện bản thân và cũng để thiết lập một đời sống trật tự, bình yên, hạnh phúc tốt đẹp giữa con người với con người.

Để xây dựng đời sống an vui cho mỗi cá nhân, góp phần bình an xã hội, Ban hoằng pháp tỉnh Hà Nam đã giảng và dạy những điều căn bản như:

Tôn trọng sinh mạng, bảo vệ sự sống không những của con người mà cả đến những loài sinh vật, cỏ hoa cây lá, biết bảo vệ cả môi sinh, môi trường.

Phải luôn luôn tôn trọng tài sản của cộng đồng và cá nhân bằng cách không trộm cắp, không tham nhũng.

Phải tôn trọng bảo vệ hạnh phúc gia đình, không quan hệ tình cảm bừa bãi tránh lây nhiễm, hạn chế nạn ly hôn trong giới trẻ.

Phải sống trung thực, không dối trá, nói thiêu dệt, nói lời phá sự đoàn kết, lừa gạt người.

Phải giữ gìn tâm trí bình tĩnh, sáng suốt bằng cách tránh xa mọi nghiện ngập, về rượu, hút, chích cần sa, thuốc phiện…

 Việc giảng pháp và giảng dạy về năm điều này cho thanh thiếu niên, thực hiện được chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được mọi chướng ngại của sự suy thoái đạo đức, tạo dựng đời sống trong sáng, là nền tảng của đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, chính năm điều này góp phần hữu hiệu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Sự tiếp nhận giáo lý Phật giáo ngay từ lứa tuổi thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất định tới niềm tin và lối sống của các em. Đạo đức Phật giáo dạy bảo các em loại bỏ “tam độc” (tham, sân, si), hướng về thập thiện, thấu hiểu lý nhân quả, duyên khởi, để hướng thanh thiếu niên hiện nay đến cuộc sống với các giá trị chân, thiện, mỹ, xa rời những tệ nạn xã hội.

Với phương pháp và cách thức đào tạo các thanh thiếu niên chưa quy y Tam Bảo trong xã hội như vậy, hoạt động hoằng pháp Phật giáo của tỉnh Hà Nam đã giúp cho các em tránh xa được những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm; tạo cho các em có nếp sống hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi, sống có trên có dưới, chan hòa đầm ấm. Các em có điều kiện lớn lên trở thành những công dân tốt, có đạo đức, năng nổ, đóng góp trong nhiều lĩnh vực xã hội. Thực tế cho thấy, hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Hà Nam trong các năm qua đối với thanh thiếu niên đã có ảnh hưởng tốt tới công tác an ninh trật tự xã hội.

Như vậy, hoạt động hoằng pháp của Phật giáo tỉnh Hà Nam với thanh thiếu niên hiện nay đã tồn tại và đang phát triển là do đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân. Hoạt động này phù hợp và đáp ứng được thực tế nhu cầu của  xã hội.

Hình ảnh ghi nhận:

Người trung niên

Người trung niên chủ yếu là những người từ 45 tuổi trở lên. Hầu hết tại các chùa hiện nay đều có khoảng vài chục đến vài trăm người, theo khảo sát tại tỉnh Hà Nam hiện nay, chủ yếu là nữ giới, các cụ lớn tuổi và đã về hưu.

Với người trung niên chủ yếu là tụng kinh trên chùa vào các ngày cố định hàng tuần hoặc hàng tháng. Vì thế, Ban hoằng pháp đã cho giảng và dạy các bộ kinh như kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, kinh Địa Tạng…

Ngoài ra, Ban hoằng pháp còn tổ chức cho người trung niên tham gia các hoạt động khác như: tham gia các khóa lễ, các ngày chùa có việc lớn, thăm hỏi nhau khi đau ốm, nghe giảng kinh... họ sẽ có được cảm giác thư thái nhẹ nhàng, vui vẻ sau những năm cống hiến cho đất nước, cho gia đình. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về việc hoạt động hoằng pháp Phật giáo Hà Nam hiện nay, bà NTH, 49 tuổi, thành phố Phủ Lý cho biết:

Từ ngày chồng tôi mất, tôi có tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo nhiều hơn. Một phần để giải tỏa tinh thần, hy vọng rằng việc lên chùa cầu Phật của mình sẽ giúp cho vong linh sớm được siêu thoát, một phần đi lễ cũng mang lại cho tôi được giao tiếp với những người xung quanh để quên đi nỗi mất mát riêng, và hơn thế nữa tôi đã nghe giảng một bộ kinh về vô thường tại chùa Bầu đã giúp cho tôi hiểu được cuộc sống nhân sinh, ở đâu có giảng pháp và dạy về các bộ kinh tôi đều theo học và đến nghe. Mẹ tôi từ lâu đã khuyên tôi đi chùa tụng kinh. Ngoài tụng kinh ra, chúng tôi còn được giảng giải cho nhiều điều về Phật pháp. Tôi thấy cuộc sống tôi có nhiều thay đổi. Hiểu Phật pháp chúng tôi không còn tham gia vào những việc cúng lễ mê tín, đồng bóng, chia rẽ đoàn kết. Từ ngày tôi theo lời giảng dạy của các sư thầy tôi thực hành, tôi thấy mình khỏe hẳn ra, được an vui, chắc là được Phật độ. Tôi cũng nhận thấy sự linh nghiệm trong việc thực hành những gì mình đã học về giáo pháp, chỉ cần chọn phương pháp phù hợp với mình thì sẽ đủ duyên đưa mình đến an lạc, tôi thấy rằng các Sư thầy truyền dạy những vấn đề đó đầu tiên mình phải đặt niềm tin khi thực hành, thì sẽ có sự linh nghiệm cho mình. Bây giờ, tôi không thể xa ngôi chùa, không thể xa những buổi giảng pháp, tụng kinh, các sư thầy dạy phật pháp. Cuộc sống tâm linh cửa chùa cũng là cuộc sống tinh thần của tôi” (Phỏng vấn do tác giả thực hiện tháng 11/2017, tại chùa Bầu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Đối với nhu cầu của người cao tuổi: cần tạo điều kiện và không gian cho họ có thời gian giao tiếp với nhau nhiều hơn. Ví dụ như tạo cơ hội làm việc chung, cải thiện sức khỏe qua việc làm các vật dụng trang trí nhỏ, dọn dẹp phòng hay tập thể dục dưỡng sinh cùng nhau… tổ chức các buổi xem phim hay nghe nhạc tập trung cho các cụ, có những buổi giảng đạo cho người cao tuổi tại cơ sở, giúp bản thân người cao tuổi cảm thấy an tịnh và sẵn sàng xây dựng mối tương quan tốt hơn với những người xung quanh mình.

Đối với vị Sư thầy là vị nắm bắt tâm lí người lớn tuổi, cũng như kỹ năng giao tiếp phù hợp với lứa tuổi này. Chủ động tạo lập mối quan hệ với các cụ thay vì chỉ thuyết giảng.

Tuy nhiên, có sự khác biệt không đồng đều giữa các khu vực, thành phố, huyện, thị xã, xã, thị trấn. Một số chùa ở vùng nông thôn hoạt động này diễn ra chưa đều đặn, và chưa có kế hoạch chương trình hoạt động rõ rệt. Các chương trình tu tập, thuyết giảng ở vùng nông thôn chủ yếu được diễn ra vào các ngày lễ lớn trong năm. Trong khi đó ở thành phố, việc duy trì giảng dạy kinh điển giáo lý, hoằng pháp cho tín đồ được duy trì đều đặn. Điển hình như các chùa: chùa Bầu, chùa Bảo Lộc, chùa Hòa Mạc, chùa Ninh Tảo… Các huyện, thành phố trong toàn tỉnh hằng năm trung bình mỗi nơi có từ 1.000 đến 1.500 Phật tử đến thính pháp, học Phật nghe thuyết giảng.

Tổ chức cho tín đồ Phật tử cao tuổi một cuộc sống mới, có nề nếp quy củ theo tinh thần yêu thương và hiểu biết của đức Phật. Xây dựng đạo tràng thành một đại gia đình mà tất cả mọi thành viên đều sống hòa thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để có được niềm vui và hạnh phúc. Thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh, theo dõi biến động về tâm sinh lý để dễ dàng chia sẻ và thông cảm. Hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền để tinh thần được nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc và gieo trồng hạt giống thiện nghiệp cho nhiều đời sau.

Hình ảnh ghi nhận:

Thích Viên Hiếu

Video
Tin nhiều người đọc
Back to top