Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ I

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Tổ chức giáo hội Tổ chức giáo hội

Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ I

Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ I

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương phát triển tình đồng đạo với Phật tử các nước, đoàn kết hữu nghị với các tổ chức nhân dân yêu chuộng Hòa bình tiến bộ trên thế giới, sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến các lời Phật dạy về hòa bình

Phật giáo Việt Nam vốn có lịch sử gắn bó với dân tộc xuyên suốt qua các thời đại. Ngày nay dân tộc Việt Nam được hoàn toàn độc lập, thống nhất tiến lên ngang tầm lịch sử nhân loại, Phật giáo Việt Nam có điều kiện khách quan tuận lợi để ứng dụng một cách sáng tạo phương pháp truyền thừa giáo lý Đức Phật vào mục đích phục vụ đời sống xã hội, góp phần xây dựng đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân và đóng góp vào sự nghiệp Hòa bình an lạc cho Thế giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy tư tưởng, lập trường và mục đích được thể hiện trong Hiến chương làm nền tảng để xây dựng Chương trình hoạt động đại cương của Giáo hội gồm 6 điểm:

1. Thực hiện tinh thần Hòa hợp chúng của Đức Phật, điều hợp các hệ phái Phật giáo Việt Nam, tăng trưởng tình đồng đạo, đồng bào, đoàn kết nội bộ Phật giáo, tăng cường khối đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đức Phật vì căn cơ chúng sinh mà nói pháp, đạo Phật vì vậy có nhiều pháp môn phương tiện hành trì. Phật giáo Việt Nam trong quá trình du nhập và truyền bá cũng hình thành nhiều tổ chức, hệ phái, tông thừa. Đặc biệt Phật giáo Việt Namgồm đủ các hình thái màu sắc Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ...thể hiện các pháp môn hành đạo biệt truyền. Tuy nhiên tất cả đều bắt nguồn từ tư tưởng giáo lý của Đức Phật, lấy mục đích giác ngộ sự thật, tôn trọng sự sống, đề cao nhân bản, giải thoát khổ đau làm cứu cánh trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, lấy tinh thần hòa hợp làm yếu tố quyết định thành công mọi Phật sự. Có tinh thần hòa hợp thì mọi Phật sự thành tựu. Không có tinh thần hòa hợp thì Phật sự không thành.

Trong dân tộc Việt Nam có đủ các thành phần, người Kinh, người Thượng sinh sống ở các miền Bắc, Trung, Nam, các vùng duyên hải, đồng bằng, cao nguyên, với ngôn ngữ, thổ ngữ khác nhau, phong tục tập quán và tín ngưỡng khác nhau. Nhưng tất cả đều cùng chung dòng giống Lạc Hồng, chung một giải giang sơn từ Cao Lạng đến Minh Hải, đều có chung truyền thống bất khuất, chung lưng đấu cật với nhau trong dòng lịch sử sinh tồn và phát triển của một dân tộc thống nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tất cả Phật tử Việt Nam, xuất gia, tại gia đều có chung nòi giống, chung hoàn cảnh sinh sống, chung nền văn hoá dân tộc, chung nền tín ngưỡng đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cơ sở vững chắc để thực hiện sự điều hợp các hệ phái Phật giáo Việt Nam, thắt chặt tình đồng đạo trong Tăng, Ni và Phật tử, cùng nhau xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng tốt đẹp, đoàn kết chặt chẽ với các giới đồng bào trong đại gia đình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để Phật giáo Việt Nam xứng đáng với truyền thống “bao giờ cũng là một thành viên được tin cậy của cộng đồng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

 2. Làm nhiệm vụ hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực trong nền giáo lý Đức Phật, phát huy tính sáng tạo trong sự nghiệp hoằng pháp, khế hợp với tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học thời đại

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm đương sứ mạng truyền thừa chính pháp của Đức Phật trong Tăng, Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở hiện tại và tương lai trong cộng đồng dân tộc. Cứu cánh của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Vì vây, sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Giáo hội là hướng về đời sống xã hội, làm cho ý nghĩa đích thực của đạo Phật được thể hiện trong những công trình xây dựng quốc độ, mang lại hạnh phúc trong đời sống con người về vật chất lẫn tinh thần.

Phật giáo Việt Nam đã thể hiện hài hòa tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật với tinh thần bất khuất, hiếu hòa, nhân hậu của dân tộc trong từng người Phật tử Việt Nam-xuất gia và tại gia, vừa chí thành cầu đạo giải thoát vừa dấn thân vào việc nước việc dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay có nhiệm vụ làm cho tư tưởng này ngày càng phong phú thấm nhuần trong toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.

Nhiệm vụ thừa truyền chính pháp không phải chỉ là công việc lặp lại những tư tưởng đã có, mà phải là công việc có kế thừa, có chọn lọc và có sáng tạo. Trong các công tác phiên dịch đại tạng kinh điển, trước thuật, sáng tác, biên khảo, nghiên cứu, diễn giảng đều cần chú trọng đến mục đích chấn hưng các tư tưởng trong sáng và tích cực (khế hợp) trong nền giáo lý Đức Phật.

Công cuộc hoằng dương chính pháp, cần phải phát huy chính kiến, chính lý để có thể khế hợp được thời cơ, đáp ứng được yêu cầu lịch sử, làm phong phú các tư tưởng giải thoát và hiện thực của đạo Phật. Trong mục đích hoằng pháp độ sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể tồn tại các tư tưởng và thái độ chính trị, đạo đức xã hội mơ hồ không phân biệt thiện, ác, phải, trái, chính, tà...không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, cương quyết đẩy lùi những ảnh hưởng tà giáo, mê tín, dị đoan đã xâm nhập vào nền tín ngưỡng đạo Phật. Giáo hội cần động viên tài năng và trí tuệ trong Tăng, Ni, Phật tử phát huy tính chất văn hoá tư tưởng của đạo Phật, chỉnh đốn nghi lễ, nếp sống thiền môn để xây dựng nền văn hóa hệ tư tưởng và tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam, góp phần bồi đắp nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam mang tính dân tộc, đại chúng, nhân bản, và hiện đại.

3. Thiết lập chương trình đào tạo và giáo dục Tăng, Ni Phật tử, xây dựng thế hệ Tăng, Ni mới có trình độ Phật học và tri thức nhập thế cơ bản, đào tạo lớp Tăng, Ni trí thức đủ tài năng gánh vác sự nghiệp hoằng dương chính pháp, đảm đương các ngành hoạt động của Giáo hội, chấn chỉnh mô phạm tùng lâm

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ truyền trì tục mạng, giáo dục và đào tạo Tăng, Ni, tiếp nối truyền thống Tăng, Ni Việt Nam, những người phát tâm trọn đời mình để cầu đạo giải thoát và phục vụ cho đời.

Trước hết việc thâu nhận sự phát tâm xuất gia, cần chọn lựa những người phát tâm chân chính, ngăn chặn và loại trừ những sự lợi dụng hình thức Tăng, Ni. Tăng, Ni là tập thể tượng trưng cho đạo hạnh, là những sứ giả của Đức Phật, mặc áo phúc điền, làm việc Phật sự, nên phải được trang bị trình độ cơ bản về Phật học và thế học.

Giáo hội chủ trương chấn chỉnh mô phạm tùng lâm, tuyên dương người có công đức với đạo pháp và dân tộc, xử lý nghiêm minh những kẻ có hành động gây tổn thương đến đạo, phương hại đến lợi ích của Tổ quốc và dân tộc. Trùng tu và chăm sóc giữ gìn các danh lam thắng tích lịch sử Phật giáo. Các ngôi chùa, trường Phật học, tịnh xá, tịnh thất phải được trang nghiêm, yên tĩnh, có môi sinh lành mạnh, để đem lại an lạc thân tâm cho Tăng, Ni và Phật tử.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cố gắng theo khả năng thực tế của mình xây dựng một Viện Phật học Việt Nam làm trung tâm nghiên cứu tư tưởng Phật học, vừa đóng góp vào ngành khoa học xã hội cho đất nước, vừa làm nơi trao đổi kiến thức Phật học cấp cao cho các giảng sư, các nhân sĩ trí thức Phật tử. Xây dựng các trường Phật học đào tạo Tăng, Ni. Viện Phật học Việt Nam chịu trách nhiệm biên soạn chương trình giảng dạy cho các trường này. Thông qua các trường Phật học, Giáo hội tuyển chọn và đào tạo đội ngũ Tăng, Ni trí thức mới, đủ khả năng gánh vác việc hoằng dương chính pháp, đảm đương các ngành hoạt động của Giáo hội và những hoạt động quốc tế về Phật giáo.

4. Phát huy truyền thống yêu nước trong Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, đặt sự tồn tại của đạo pháp trong sự tồn tại của dân tộc, rèn luyện tinh thần hộ quốc an dân, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phật giáo Việt Nam rất tự hào về truyền thống yêu nước trí dũng của Tăng, Ni Phật tử, luôn luôn đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc, dân tộc được độc lập tự chủ, nền đạo pháp được hưng long, dân tộc bị nô lệ, nền đạo pháp suy đồi. Những trang sử hưng vong của dân tộc và đạo pháp đã chứng minh điều đó.

Ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ truyền thống vì đại chúng Tăng, Ni, Phật tử về trang sử mới của dân tộc - trang sử Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa-một trang sử mới chứa đựng những kỳ công hiển hách, xô ngã thành trì chế độ xã hội bất công, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc, đưa dân tộc tiến lên xây dựng chế độ công bằng trong đời sống xã hội. Giáo hội khẳng định rằng, trong điều kiện đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhân duyên thuận lợi để Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam thể hiện ánh sáng chính pháp của Đức Phật vào nếp sống đạo chân chính, thực hiện hạnh nguyện vị tha phục vụ lợi ích nhân dân.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm cổ vũ và giáo dục Tăng, Ni, Phật tử, phát huy truyền thống yêu nước trí dũng, nuôi lớn tinh thần Hộ quốc an dân, dám hy sinh vì nghĩa cử dấn thân vào việc nước, việc dân, tiếp tục sự nghiệp người đời trước, tỏ rõ ý chí người đời nay, nêu gương sáng cho thế hệ mai sau.

5. Xây dựng kinh tế nhà chùa, Tăng, Ni vừa tu học vừa lao động sản xuất để giải quyết về đời sống cho mình và góp phần lợi ích thiết thực cho xã hội.

Trong tùng lâm có truyền thống một ngày không làm, một ngày không ăn, các hành giả Tăng, Ni thọ dụng cơm ăn với ý thức tôn trọng giá trị lao động của người thợ dệt và người nông dân. Trong nếp sống đạo, Tăng, Ni cũng khám phá tác dụng giữa cảm hứng tư duy và công năng lao động, lao động Thiền, Thiền trong lao động. Vì vậy Tăng, Ni vốn có cuộc sống giản dị yêu thích lao động trí óc và chân tay.

Đất nước Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lạc hậu dưới chế độ Phong kiến, hàng trăm năm đói rách trong nô lệ, hơn ba mươi năm đổ nát vì chiến tranh. Hậu quả đó, ngày nay toàn dân phải ra sức hàn gắn, phục vụ đời sống kinh tế, đưa nền sản xuất vươn lên, xây dựng lại cuộc sống mới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế nhà chùa, mỗi tự viện, trường Phật học, tịnh xá, tịnh thất đều có cơ sở kinh tế để Tăng, Ni vừa tu học vừa lao động sản xuất, không hề vì kinh tế mà mất mát sự tu hành, không vì tu hành mà bỏ sót nhiệm vụ kinh tế.

Tất cả Tăng, Ni và đồng bào Phật tử sống bằng sức lao động của mình, vừa bảo đảm vững chắc cuộc sống bản thân, vừa góp phần lợi ích cho xã hội. Đó là nếp sống an lạc theo chính pháp.

6. Củng cố và phát triển tình đồng đạo với Phật tử các nước, đoàn kết hữu nghị với các tổ chức nhân dân yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên thế giới, cùng nhau đấu tranh xây dựng và bảo vệ nền hòa bình an lạc cho dân tộc và nhân loại

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định rằng, chủ nghĩa đế quốc câu kết với các thế lực phản động khác, đang chủ mưu gây tình trạng bất an căng thẳng, gây chiến tranh đe doạ nền Hòa bình của nhân loại.

Đạo Phật là đạo vì Hòa bình, tôn trọng sự sống. Dân tộc Việt Nam rất hiếu hòa và đoàn kết hữu nghị với nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương phát triển tình đồng đạo với Phật tử các nước, đoàn kết hữu nghị với các tổ chức nhân dân yêu chuộng Hòa bình tiến bộ trên thế giới, sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến các lời Phật dạy về hòa bình, tham gia các hoạt động quốc tế về Phật giáo, cổ vũ phong trào đấu tranh chống chạy đua vũ trang, đòi giải trừ quân bị, chống các âm mưu gây chiến tranh xâm lược, bảo vệ nền hòa bình và môi sinh cho dân tộc và nhân loại.

Hà Nội, ngày 7 tháng 11 năm 1981

TM. Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chủ tịch Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ (Đã ký)

 
Video
Tin nhiều người đọc
Back to top