Sự hình thành, chức năng và nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Tổ chức giáo hội Tổ chức giáo hội

Sự hình thành, chức năng và nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp

  1. Sự hình thành

Trong những thập niên vừa qua, hoạt động hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Giáo hội đã xây dựng Ban Hoằng pháp theo đúng tôn chỉ mục đích của chính pháp, đồng thời vận dụng một cách “khế lý, khế cơ” về hiện thực cuộc sống trên hai phương diện lý thuyết và thực hành, giúp cho tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân có đời sống tâm linh ngày một thăng hoa.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay trên cơ sở các tổ chức giáo hội hệ phái mà thành lập theo tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”. Hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, lấy lý tưởng giác ngộ soi sáng cho tư duy và hành động, vận dụng tinh thần hộ quốc an dân để thích nghi và bền vững.

Trên tinh thần đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam đã quyết định thành lập Ban Hoằng pháp tỉnh Hà Nam vào ngày 18/10/2015, tại chùa Bầu, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý.

Ngay từ những buổi đầu mới thành lập Ban Hoằng pháp, sự nghiệp hoạt động hoằng dương chính pháp đã được Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt làm trọng tâm hoạt động.

Ban Hoằng pháp là tổ chức đảm nhận trọng trách hoằng pháp, song hoạt động hoằng pháp có liên quan đến nhiều Ban, ngành khác như Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Giáo dục Tăng - Ni, Ban Từ thiện xã hội… nội dung công việc chủ yếu là chọn lọc, soạn thảo những bài giảng, hoạt động chủ yếu trên toàn tỉnh, xây dựng một nếp sống lành mạnh đúng chính pháp.

Nhiều địa phương đã có những hoạt động hoằng pháp có hệ thống giáo lý cơ bản của đạo Phật cho tín đồ Phật tử, qua đó hướng Phật tử đến các hoạt động phù hợp với chính pháp, đẩy lùi các sinh hoạt mang tính mê tín dị đoan và thực hiện theo Công văn số 031/CV-HĐTS ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay mặt Ban Thường trực HĐTS GHPGVN do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ban hành. Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

Bên cạnh việc phổ biến đọc và nghiên cứu các bài giáo lý do Ban Trị sự tỉnh ban hành, nhiều huyện còn áp dụng linh động việc diễn giảng giáo lý vào cuộc sống hằng ngày của Tăng, Ni Phật tử qua các buổi thọ bát quan trai, hay các buổi cúng cầu an, cầu siêu…

*Phương thức: Việc hoằng pháp ngày nay của Ban Hoằng pháp được thuận tiện, nhanh chóng và rút ngắn thời gian rất nhiều nhờ phương tiện hiện đại, được xem như là “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Ngoài ra, còn có một số hình thức hoạt động cụ thể như:

Tụng kinh, thiền định: Ngày nay đa số các chùa Phật tử đến tụng kinh rất đông, thậm chí tụng tam tạng. Việc làm đó không ngoài mục đích để người Phật tử thấm nhầm chính pháp sau mỗi ngày tụng kinh. Người tổ chức cũng là người hoạt động hoằng pháp.

Viết kinh, dịch sách:  Là hoạt động hoằng pháp lợi ích lớn và có giá trị cao, kinh sách để đầu giường ghiền ngẫm, giúp Phật tử dễ chiêm nghiệm và thực hành chính pháp hơn. Một quyển kinh và một tác phẩm thiền là một món quà tinh thần, có khả năng chuyển đổi đời sống nội tâm của người Phật tử. Ấn tống, biếu tặng một quyển kinh cũng là phương thức để hoằng pháp.

Xây chùa: “Làm chùa, tô tượng, đúc chuông, ba công đức ấy hập phương nên làm”, “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”, “mái chùa là bài pháp vô ngôn”.

Lễ nghi trong đời sống như: đám ma, đám cưới, đám giỗ đều cung thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cầu nguyện và ban phúc lành, hình thức lễ nghi như vậy cũng là hoạt động hoằng pháp.

Tổ chức giảng pháp: Thường những lễ nghi có tổ chức thuyết giảng Phật pháp để thí chủ tròn đủ tài thí, vật thí và pháp thí.

Ban Hoằng pháp đã chọn lọc các bộ kinh để thuyết giảng trong ba tháng an cư. Ban Trị sự Tỉnh  đã mở các trường hạ như trường hạ Chùa Bầu, trường hạ Lý Nhân, trường hạ Duy Tiên để đào tạo và tuyển chọn các Tăng, Ni có năng lực để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn trong hoạt động hoằng pháp.

  1. Chức năng, nhiệm vụ

Hoạt động hoằng pháp ngày nay không những thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích của chánh pháp, mà còn vận dụng một cách khế lý, khế cơ vào các công việc cụ thể của Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam trên hai phương diện lý thuyết và thực hành. Chính yếu tố đoàn kết thống nhất của các hệ phái Phật giáo trên toàn tỉnh và toàn diện đã đưa đến sự thống nhất về quan điểm và giáo lý trong chương trình hoạt động hoằng pháp tại các đạo tràng, tự viện.

Ban Hoằng pháp ra mắt với sứ mệnh hoằng truyền giáo pháp, lợi lạc quần sinh; mục đích đem chân lý của đạo Phật đến với mọi người, góp phần phát huy mọi giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của đạo Phật vào đời sống xã hội, xây dựng cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Theo Điều 2 BHP Trung ương qui định, hoằng pháp là hoạt động nhằm mục đích: Hộ trì chánh pháp, lợi lạc hữu tình, đồng thời hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử phát huy tư tưởng trong sáng, tích cực và đa dạng của giáo lý Phật giáo. Mang lại ý nghĩa đích thực của Phật giáo trong công cuộc phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Ban Hoằng pháp còn có nhiệm vụ biên soạn các bài giảng tiêu biểu ứng với các ngày lễ hội văn hoá Phật giáo như: Phật Đản, Vu Lan; chương trình của các lớp giáo lý dành cho Phật tử tại tỉnh; mở lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các giảng sư trên địa bàn tỉnh; điều phối và phân bổ Đoàn giảng sư của tỉnh thuyết giảng theo yêu cầu trong các ngày lễ lớn, hoặc các đạo tràng tu học Phật pháp trong phạm vi tỉnh Hà Nam; tổ chức giao lưu, trao đổi những thành tựu kinh nghiệm hoằng pháp giữa các Tỉnh - Thành hội Phật giáo trên toàn quốc.

Tôn chỉ Ban Hoằng pháp được thành lập sẽ truyền thừa kinh điển Phật pháp tới quảng đại quần chúng giúp mọi người thấm nhuần giáo lý Phật Đà, đúng với tinh thần và phương châm của Giáo hội “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Thích Viên Hiếu

Video
Tin nhiều người đọc
Back to top