Trường Hạ Chùa Bầu, Phủ Lý Hà Nam diễn ra đại lễ dâng y Ca Sa, lễ Khánh Tuế.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện

Trường Hạ Chùa Bầu, Phủ Lý Hà Nam diễn ra đại lễ dâng y Ca Sa, lễ Khánh Tuế.

Sáng ngày 3/7/Nhâm Dần, tại Trường hạ chùa Bầu Hà Nam, đang là ngày hành đạo thứ 02 đã Long trọng diễn ra đại lễ dâng y Ca Sa và lễ Khánh tuế,  chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng, Ni hành giả an cư tại hạ trường mùa an cư PL.2566 - DL.2022.

Chứng minh buổi lễ có: Thượng Toạ Thích Thanh Viên- Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, Phó Đường chủ hạ trường, Thượng Toạ Thích Bản Lượng- Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, Chánh Duy Na hạ trường; Ni Trưởng Thích Đàm Thuỷ - Chứng mình Phân ban Ni giới  GHPGVN tỉnh Hà Nam; Ni Sư Thích Đàm Đạt - Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, Phó Duy na hạ trường; Ni Sư Thích Đàm Minh - Trưởng phân ban Ni giới  GHPGVN tỉnh Hà Nam, Chánh Duy na Ni hạ trường và cùng 150 hành giả đang an cư hạ trường chùa Bầu tham dự. 

Tín đồ Phật tử chùa Ninh Tảo và Thập phương dâng lời khánh tuế chư Tôn thiền đức Tăng, Ni.

Từ lâu, dâng y cúng dường đã trở thành truyền thống thiêng liêng đối với người Phật tử. Truyền thống tốt đẹp này đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên, không phải có ngay từ những ngày đầu thành lập Tăng đoàn. 

Luật Tứ phần ghi rằng, sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Nai, độ năm anh em ông Kiều-trần-như, họ kiến đế, đắc giới, thành Tỳ-kheo. Đó là những thầy Tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng-già Phật giáo. Năm vị Tỳ-kheo này liền bạch Đức Thế Tôn: “Chúng con nên thọ trì y gì?”. Đức Thế Tôn bảo: “Nên thọ trì y phấn tảo và những loại y đã nhuộm thành màu ca-sa”.

Y phấn tảo, tiếng Phạn là pāṃsu-kūla, có nghĩa là những tấm vải người ta vứt ở ngoài đường, trong đống rác, hay ở nghĩa trang, lấm lem bụi đất và bất tịnh, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc. Luật Ma-ha tăng kỳ, quyển 16, nói: “Y phấn tảo là những tấm vải dơ, xấu người ta vứt bên đường, lượm lấy đem về giặt, khâu vá lại thành y áo mà mặc”.

Y còn gọi là ca-sa, tiếng Phạn là kaṣāya, có nghĩa là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, bằng cách dùng các vỏ cây giã ra lấy nước rồi nhuộm vải. Những tấm vải này có màu vàng nâu, người ta gọi là hoại sắc y (không còn chính sắc vàng, trắng, v.v…).

Kinh Mười hai hạnh đầu-đà ghi rằng, mặc y phấn tảo là một trong mười hai hạnh đầu đà ấy. Kinh Đại bảo tích, quyển 114, cho biết người mặc y phấn tảo sẽ đạt được phước đức lớn là đắc pháp tràng, đắc chủng tánh, được an trụ, được chuyên niệm, được thiện hộ, được hướng môn và được thuận pháp.

Luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, quyển 16, cho biết người đắp y phấn tảo được mười điều lợi, đó là: tàm quý; ngăn ngừa nóng, lạnh, muỗi mòng; biểu thị nghi pháp của Sa-môn; hết thảy trời người nhìn thấy pháp y đều cung kính, tôn trọng; tâm lìa nhiễm trước, không còn ham thích cái đẹp; tùy thuận tịch diệt, không bị phiền não thiêu đốt; khi mang pháp y, làm điều ác dễ thấy; không thể dùng đồ trang sức lên pháp y; tùy thuận Bát Thánh đạo; tinh tấn hành đạo, không để tâm ô nhiễm dù chỉ trong giây lát mang y hoại sắc.

Luật Tứ phần cho biết, lúc đầu, các Tỳ-kheo thường lượm những tấm vải xấu xí và cũ rách người ta vứt bỏ ở những bãi rác, hoặc ở bãi tha ma đem về giặt sạch may thành y để mặc. Các Phật tử thấy thế sanh lòng cung kính, tâm từ niệm phát sanh, lấy vải tốt quý xé ra đem bỏ ở bãi rác để cho các Tỳ-kheo nhặt lấy đem về dùng. Nhưng các Thầy không dám nhặt. Việc ấy Đức Phật biết, Ngài dạy: “Nếu họ vì các thầy Tỳ-kheo thì nên lấy”. Đó có thể xem là hình thức cúng dường y đầu tiên của các Phật tử.

Về sau, Kỳ-đà đồng tử, một bác sĩ nổi tiếng, là cư sĩ tại gia, đến bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con trị bệnh cho quốc vương, trị bệnh cho đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin Đức Thế Tôn cho con một ước nguyện”. Đức Phật nói Ngài không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện. Kỳ-đà đồng tử nói rằng: “Con xin một ước nguyện thanh tịnh”.

Đức Phật hỏi ước nguyện thanh tịnh ấy là gì? Kỳ-đà đồng tử thưa: “Chiếc y quý giá này, con nhận được từ vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa giang sơn. Cúi xin Đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện xin Đức Thế Tôn cho phép các thầy Tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn việt dâng cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc”. Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Nhân dịp này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo lại, cho phép họ từ nay về sau được phép khoác y của Phật tử dâng cúng.

Từ đó, các Phật tử thường tận tay dâng y cúng dường chư Tăng, trong đó phải kể đến kỹ nữ Am-bà-la-bà-đề, đã dâng y và thực phẩm cúng dường Đức Thế Tôn cùng với 1.250 vị Tỳ-kheo, khiến cho chủ nhân thành Vesāli, bộ tộc Licchavī hùng mạnh phải kính nể!

Đạo từ của Thượng Toạ Thích Bản Lượng- Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, Chánh Duy Na hạ trường: “Lễ dâng cúng y đến cho chư Tỳ-khưu đã hoàn mãn ba tháng an cư có từ thời Đức Phật tại thế. Đối với tín đồ Phật giáo, Đại lễ dâng y Ca Sa mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người Phật tử trong việc hộ trì Tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui và phước đức lớn cho người Phật tử tại gia, thay lời chư Tăng hạ trường xin tán thán công đức Đại Đức Thích Đạo Duyệt đã hướng dẫn Phật tử chùa Ninh Tảo và Phật tử thập phương phát tâm hỷ cúng đại lễ.
Lễ dâng y, Với chúng Tăng, đầu mùa hạ là ngày đầu năm trong đời sống đạo hạnh, và kết thúc một mùa hạ là kết thúc một năm, tròn một tuổi đạo hạnh sáng ngời. Và do đó, khi tiếng thu gọi khẽ trên cây, lác đác vài chiếc lá vội vã lìa cành, ấy là dấu hiệu của mùa hạ đã hết, mùa thu bắt đầu, cả hoàn vũ trổi khúc ca hoan hỷ, cùng với chư Phật mỉm cười đón mừng các Tỳ-kheo vừa hoàn thành ba tháng nỗ lực tu tập, nội cần khắc niệm chi công, và bắt đầu đặt bước chân trên vạn nẻo đường thực hiện công cuộc hoằng hóa độ sanh với tâm nguyện ngoại hoằng bất tranh chi đức, Các Phật tử nhân ngày này, đem hết tâm lực và tài vật, để sắm cho được chiếc y vàng, cúng dàng tịnh tài, tịnh vật, thành kính dâng lên cúng dàng chư Tăng để được thấm nhuần công đức, với tất cả lòng thành hộ trì Chính pháp.
 
VIÊN HIẾU.
Video
Tin nhiều người đọc
Back to top