BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2566- DL 2022

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện

BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2566- DL 2022

Sáng ngày 11/04/ Nhâm Dần, BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam đã Long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2566 – dương lịch 2022, tại chùa An Lạc, xã Kim Bình, Tp Phủ Lý, Hà Nam.
Tham dự chứng minh có: Hòa thượng Thích Thanh Quyết- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam; Thượng Toạ Thích Thiện Hưởng- UV HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường Trực BTS PG tỉnh Hà Nam; Thượng Toạ Thích Thanh Viên- Phó Trưởng ban TS kiêm Trưởng Ban Kiểm Soát GHPGVN tỉnh Hà Nam; Thượng Toạ Thích Bản Lượng- Phó Trưởng ban TS kiêm Trưởng Ban TTTT PG tỉnh Hà Nam; Ni Trưởng Thích Đàm Thuỷ- Nguyên Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam; Ni Sư Thích Đàm Đạt- Phó TB Trị sự kiêm phụ trách Ni giới PG tỉnh Hà Nam cùng chư Tôn Đức Tăng, Ni BTS các huyện, thị xã, thành phố đồng tham dự lễ.
 Đại biểu chính quyền có: Bà Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; bà Trần Thị Minh Nga – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Đào Minh Cường - Vụ phó Vụ Phật giáo; Ban Tôn giáo Chính Phủ; ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh; Ông Nguyễn Như Lâm - Nguyên Tỉnh Uỷ viên, Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Đức Bình - Nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Phó trưởng ban sân vận tỉnh; Ông Đỗ Hồng Hà - Phó Giám Đốc Sở Nội vụ tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám Đốc Công An tỉnh, cùng nhiều lãnh đạo sở ban ngành trong tỉnh, thành Phố Phủ Lý, Xã Kim Bình và đông đảo tín đồ Phật tử đồng tham dự.
Mở đầu HT. Thích Thanh Quyết tuyên đọc thông điệp Phật đản:

Thượng Toạ Thích Thiện Hưởng đọc ý nghĩa Phật đản

Đại diện chính quyền phát biểu chúc mừng

Lễ Phật Đản là lễ trọng của đạo Phật, diễn ra hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch theo truyền thống Phật giáo để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn – người khai sáng đạo Phật. Trong không khí trang nghiêm, các nghi thức tưởng nhớ ngày đản sinh đã được các chư tôn Thiền đức Tăng Ni, Phật tử cử hành trọng thể theo đúng truyền thống Phật giáo như: tuyên đọc Thông điệp của hội đồng chứng minh; diễn văn Đại lễ Phật đản của hội đồng trị sự, tụng kinh Khánh đản và thực hiện nghi thức tắm Phật.

Nghi lễ Tắm Phật truyền thống

 Tắm Phật; Là một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của lễ hội Phật đản, Lễ Tắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Riêng tại Việt Nam, lễ nghi này thường được tổ chức vào các ngày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày mồng tám tháng Tư, trong dịp Lễ Phật đản mỗi năm. Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược đều ghi lại rằng vào ngày mồng tám tháng Tư năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Nhân Tông đã dự xem Lễ Tắm Phật. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ mỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày mồng tám tháng Tư, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc, thiết nghi tắm Phật. 

Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng nói đến việc nhà vua tổ chức lễ cầu an và thiết nghi tắm Phật vào các ngày mồng một và vào mùa xuân. Như thế, đủ để thấy dưới triều Lý, đặc biệt là dưới thời vua Lý Nhân Tông, ngoài lễ Phật đản, lễ tắm Phật cũng được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là mộtnghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian. Điều này được ghi lại trong Lĩnh Nam trích quái như sau: “Ngày mồng tám tháng Tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui chơi, ca múa các trò đàn địch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”, đến nay lệ vẫn còn.”

Sự dung hòa giữa văn hóa Phật giáo nói chung và Lễ Tắm Phật nói riêng trong xã hội Việt Nam thời xưa đã được Lê Tắc ghi lại trong mục “Phong tục”, phần nói về phong tục dân gian của xã hội An Nam trong tác phẩm An Nam chí lược như sau: “Mồng tám tháng Tư, mài trầm hương và bạch-đàn-hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng thứ bánh giầy mà cúng Phật. Tiết Đoan-Dương (mồng năm tháng năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền. Ngày Trung-Nguyên, lập hội Vu-Lan-Bồn, để cúng tế, siêu độ cho người chết, tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc.” Tác phẩm này cho thấy một điều hết sức độc đáo là ngay từ thời Lý-Trần, việc dùng các loại hương thơm dầm nước để tắm tượng Phật, đúng như cách thức được mô tả trong kinh Công đức tắm Phật như trên đã được thực hiện phổ biến trong dân gian. Điều đó cũng đủ cho thấy sự phổ biến của nghi thức này trong các sinh hoạt văn hóa bản xứ. Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, ngày Lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam.

Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức một cách long trọng để chào mừng thành công của Đại hội Phật giáo toàn tỉnh và hướng đến Đại hội Phật giáo toàn quốc được diễn ra vào tháng 11 năm 2022.

Trao học bổng cho các em học sinh tại địa phương 

Phóng sinh Bồ câu - cầu nguyện thế giới hoà bình, bệnh dịch tiêu trừ, nhân dân an yên

Lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại nhất trong năm và là lễ hội văn hóa lớn nhất của đạo Phật. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết Phật giáo; góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tặng hoa chúc mừng và hình ảnh ghi nhận:
Viên Hiếu.
Video
Tin nhiều người đọc
Back to top