Hà Nam cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công đại hội Phật giáo cấp huyện. Đến nay, 6/6 huyện, thị xã thành phố đã kiện toàn ban trị sự Phật giáo các cấp nhiệm kỳ 2021-2016.

Hoà thượng Thích Thanh Quyết cho biết, đây là nhiệm kỳ của đại hội có nhiều đổi mới. Ảnh: TV

Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hà Nam cho biết: Nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi đổi mới đại hội với 4 nội dung trọng tâm. Đó là, đổi mới nhân sự, cải cách hành chính, tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội và vận động bà con, tín đồ Phật tử tích cực tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng là chỉ đạo của Trung ương Giáo hội.

Điều đó được thể hiện ở nội dung của đại hội Phật giáo các cấp. Chỉ trong vòng 1 tuần, đại hội Phật giáo các cấp tổ chức thành công. Nội dung các văn kiện ngắn gọn, súc tích, đầy đủ với chương trình đại hội trang nghiêm, ấn tượng, đúng trọng tâm, trọng điểm.

Đại hội đã tập trung làm tốt công tác nhân sự, để chọn lựa những tăng, ni có trình độ, trẻ hoá và đạo hạnh để được suy cử vào trưởng ban trị sự Phật giáo các cấp.

 
 
Thay việc mua quà tặng, toàn bộ số tiền công đức được chuyển đến MTTQ các cấp thực hiện các chương trình từ thiện và phòng, chốovid-19. Ảnh: TV

Điều đáng nói, thay việc mua quà tặng cho đại biểu, đại hội các cấp đã kêu gọi bà con Phật tử công đức gần 600 triệu đồng để ủng hộ bộ đội biên phòng các tuyến biên giới phòng, chống dịch Covid-19 và quỹ khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ông Đinh Văn Tùng - Phó trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam cho biết: “Tôi đã công tác trong ngành Tôn giáo gần 20 năm và tham dự rất nhiều kỳ đại hội Phật giáo các cấp, nhưng ở kỳ này tôi thấy có nhiều sự đổi mới. Đổi mới trong khâu tổ chức, rất trang nghiêm, ngắn gọn và ý nghĩa. Điều tôi thấy thích nhất ở kỳ đại hội này là việc ban trị sự các cấp không tặng quà cho đại biểu tới dự, mà dành số tiền đó để làm các công tác từ thiện, làm như vậy là rất đúng, các đại biểu như tôi rất ủng hộ, nhân dân Phật tử rất hoan hỷ.

Đại đức Thích Thanh Thuận, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Bình Lục chia sẻ: "Bản thân rất vinh dự khi được đại hội suy cử làm Trưởng ban Trị sự. Là một vị tăng trẻ, tôi sẽ cố gắng trau dồi tri thức, phẩm hạnh để xứng đáng với sự tin yêu của Phật tử. Ngoài việc tu học tôi muốn được truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống đến với mọi người. Ngôi chùa lớn nhất mình xây dựng được chính là tập hợp, nhân rộng, nuôi dưỡng được nhiều con người tốt có ích cho đời".

Ông Nguyễn Hà, Phật tử TP Phủ Lý nói: Tôi vinh dự được dự Đại hội Phật giáo TP. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ủng hộ của bà con Phật tử, Đại hội Phật giáo TP diễn ra trong không khí rất trang nghiêm, đoàn kết, hoà hợp, chúng tôi vui lắm. Vui nhất, là những đồng tiền mà bà con ủng hộ trong những năm qua đã được các quý thầy đưa đến tận tay cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, những em học sinh nghèo, đồng bào vùng lũ, đặc biệt, ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19.

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TV
Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển là chủ đề của đại hội Phật giáo các cấp. Ảnh: TV 

Hà Nam là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam châu thổ sông Hồng, với diện tích 860,5 km², dân số 802.200 người (2019), mật độ dân số 954 người/km².

Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo lớn đó là đạo Phật, Công giáo và Tin lành với tổng 522 chức sắc, 258 nghìn tín đồ, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.

Trải qua 24 năm thành lập và phát triển đến nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh có khoảng 145 nghìn tín đồ Phật tử sinh hoạt ở 545 tự viện, có khoảng 475 tăng ni, trong đó có 47 vị là thành viên của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.

5 năm qua, bằng nguồn vốn xã hội hoá, Phật giáo các cấp đã xây mới, tôn tạo được hàng trăm ngôi chùa.

Riêng, ban trị sự các huyện, TP, thị xã như: Phủ Lý, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm… đã đóng góp được hàng chục tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện, đóng góp một phần không nhỏ vào các quỹ khuyến học, chất độc da cam, vì người nghèo và các chương trình từ thiện xã hội do tỉnh phát động.

Hà Nam là một tỉnh có miền trầm tích văn hoá với hệ thống đền, chùa, miếu mạo gắn với sự hình thành và phát triển của lịch sử đất nước. Bằng nguồn vốn xã hội hoá, đến nay toàn tỉnh xây dựng, tôn tạo nhiều điểm di tích tâm linh lớn như: Chùa Bầu, chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng, đền Trần Thương...

  

 

 

 

Trà Vân. 
Nguồn: thanhtra.com.vn