Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 02 ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Nhằm nâng cao nhận thức về Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho toàn thể Tăng, Ni trên toàn tỉnh, Ngày 10/7/2018 Ban Tôn giáo TƯ – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam, Ban Tôn giáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam đã phổ biến những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Tham dự Hội nghị có Bà Phạm Thị Hương Phó Ban tôn giáo T.Ư – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Hà Thị Thanh Tâm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Nam, Bà Nguyễn Thị Huyền Trưởng Ban tôn giáo Mặt trận Tổ quốc tỉnh và hơn 150 chư Tăng, Ni, chức sắc, chức việc, đang an cư kiết hạ tại chùa Bầu tỉnh Hà Nam.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo có 09 chương, 68 điều, đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Luật tín ngưỡng, tôn giáo đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách hành chính đối với lĩnh vực này.
Bà Phạm Thị Hương chia sẻ tại buổi tập huấn
Tại Hội nghị tập huấn, đại biểu được nghe báo cáo viên giới thiệu khái quát tình hình tôn giáo ở Việt Nam và những nội dung cơ bản về quan điểm, chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; pháp luật về đất đai, xây dựng hiện hành có liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là Luật tín ngưỡng, tôn giáo và những điểm mới cơ bản của Luật. Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.
Thông qua hội nghị, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo nắm bắt được những quy định của pháp luật cần thiết để thực hiện và hoạt động theo quy định của pháp luật; biết sử dụng pháp luật như những công cụ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Tại lớp tập huấn các Tăng, Ni còn được nắm những điểm đáng lưu ý của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; việc quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; sự phân cấp quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thời gian được công nhận là tổ chức tôn giáo; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam...
Tại buổi tập huấn, các chức sắc tôn giáo, các Tăng, Ni còn được nâng cao kiến thức về công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các cơ sở có hoạt động thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh
Thượng Tá Nguyễn văn Chiến chia sẻ công tác PCC
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI NHẬN
Nguyễn Phúc