PGHN- Sáng ngày 9/6/2019 7/5/Kỉ Hợi), tại trường hạ Phật giáo tỉnh Phật giáo Hà Nam – chùa Bầu ( Thiên Bảo Tự) đã long trọng diễn ra lễ khai pháp khóa an cư kết hạ PL. 2563 – DL. 2019.
Về chứng minh và tham dự lễ khai pháp có HT. Thích Thanh Phúc – Giám luật Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; TT. Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam; TT. Thích Thiện Hưởng Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, TT. Thích Thanh Hùng - Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam, TT. Thích Bản Lượng, T.T. Thích Thanh Viên, Đại Đức Thích Quảng Bảo – đồng Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam; T.T. Thích Thanh Vũ - Phó Ban Thường trực GHPGVN tỉnh Hà Nam; Ni Trưởng Thích Đàm Bản - Trưởng phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Hà Nam; Ni trưởng Thích Đàm Thủy - Phó BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam cùng chư Tăng, Ni trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh là các hành giả an cư của hạ trường.
Về lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Nam có: Ông Nguyễn Đức Toàn - Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, Phó Trưởng ban thường trực ban chỉ đạo công tác Tôn giáo, Trưởng Ban dân vận; Ông Nguyễn Văn Trung - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Giám đốc công an tỉnh Hà Nam; Ông Phạm Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Nam; Ông Đỗ Hồng Hà - Phó giám đốc Sở nội vụ tỉnh Hà Nam; Ông Nguyễn Đức Bình - Nguyên Phó ban dân vận tỉnh Hà Nam; Đại tá Lê Mạnh - Trưởng phòng an ninh đối nội Công An tỉnh Hà Nam; Ông Đỗ Quốc Hoàn - Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy , Trưởng Ban dân vận thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Tp. Phủ Lý; Ông Hoàng Văn Long - Trưởng Ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Kim Bảng; Ông Vũ Hồng Phương - Phó trưởng C.A Tp. Phủ Lý;Ngoài ra, trong buổi khai pháp còn có hàng ngàn Phật tử trên địa bàn tỉnhHà Nam đã đến tham dự và cúng dàng trường hạ.
Đại Đức Thích Quảng Bảo đọc báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức khóa an cư kiết hạ
Năm nay, hạ trường tỉnh hội Phật giáo Hà Nam cả 03 trường hạ tập trung có 323 hành giả an cư, trong đó trụ sở tỉnh hội chùa Bầu có: 151 hành giả; trường hạ Chùa Đức Lý huyện Lý Nhân có 116 hành giả; trường hạ Chùa Bút Thượng huyện Duy Tiên có 56 hành giả.
An cư: là trách nhiệm và bổn phận, đây là giới Luật Phật qui định bắt buộc. Trong 3 tháng hạ, chư Tăng, Ni lấy việc tu trì gìn giữ giới luật, thanh quy làm chính để thúc liễm thân tâm, duy trì 6 thời công phu lễ bái theo đúng quy củ thiền môn. Trường hạ sẽ tổ chức giảng dạy nâng cao kiến thức Phật pháp và xã hội.
Về nội điển, đại trường giảng Kinh, Luật. Tiểu trường giảng Luật học, cảnh sách, học đọc bình văn. Trường hạ cũng thống nhất học kinh BáoÂn và trao kiến thức cho các vị Tăng Ni trẻ thực tập đọc bình văn, cảnh sách, luật và trao đổi các kỷ năng Phật pháp, thực tập thuyết trình khi cần thiết. Về ngoại điển, BTS sẽ kết hợp với Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại đức Thích Giác Trí đại diện hành giả an cư dâng lời tác bạch
Ông Nguyễn Đức Toàn - Ban dân vận Tỉnh Ủy Hà Nam phát biểu và tặng hoa chúc mừng
HT. Thích Thanh Phúc giảng về ý nghĩa an cư và đại ý kinh Báo Ân
Trước hết, tôi nói ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nhắc thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.
Như vậy, ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước.
Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v... Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.
với kinh Báo Ân Hòa Thượng dạy: Cho nên người tu phải luôn luôn nhớ tới tứ trọng ân, vì đền đáp trọng ân nên chúng ta phải nỗ lực, phải cố gắng tu hành xứng đáng.
Kinh Báo Ân nhắc cho chúng ta nhớ về Tứ trong ân: 1. Đó là ân cha mẹ. Phật dạy một người con tu hành đắc đạo thì cha mẹ được sanh thiên. Đức Thế Tôn sau khi thành đạo, thì thân mẫu và phụ vương của Ngài cũng đều được đầy đủ công đức sanh lên cõi trời. Đó là đức Phật đã đền ân cha mẹ.
2. Ân Phật Tổ hay Thầy Tổ. Phật Tổ hay Thầy đều muốn dạy đệ tử tu hành đạt kết quả tốt, nên trong nhà Phật dùng câu: “Đền ân Phật Tổ là đền ân chẳng đền”. Ân chẳng đền là sao? Phật đã nhập Niết-bàn, Tổ cũng tịch rồi, nhưng vì thương chúng sanh nên các Ngài chỉ dạy chúng ta tiếp nối ngọn đèn trí tuệ, để rọi sáng cho chúng sanh. Chúng ta vâng theo lời Phật Tổ, cố gắng mồi đuốc thắp đèn cho sáng, hướng dẫn mọi người thoát khỏi đêm tối khổ đau. Đó là đền ân Phật Tổ bằng tinh thần ứng dụng đạo lý, thực hiện đúng theo bản nguyện của các Ngài. Điều này rất cao thượng, rất quý báu.
3. Ân quốc gia. đem lại an ninh cho đất nước, hạnh phúc cho mọi người, giúp quốc gia hưng thịnh. Đó là đền ân quốc gia.
4. Ơn thí chủ. Phật tử vì quí trọng sự tu hành của Tăng Ni nên kẻ giúp việc này, người giúp việc nọ, nhờ thế chúng ta an ổn tu hành. Người có công ân lớn giúp mình tu, đâu thể nào quên được. Chúng ta tu tốt, thí chủ hoan hỉ thấy kết quả xứng đáng, họ cũng cùng tu học theo. Đó là chúng ta đền ân thí chủ.
Như vậy, nhờ tu chúng ta đền đáp bốn trọng ân, cũng nhờ tu mà cứu được tam đồ khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tăng Ni tu và dạy Phật tử tránh không làm mười điều ác. Không tạo ác nên không rơi vào địa ngục, như vậy là cứu chúng sanh ra khỏi địa ngục. Do tâm tham lam, bỏn xẻn, hiểm độc nên phải đọa ngạ quỷ. Chúng ta tu và đem chánh pháp, lòng từ bi hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người bớt tâm tham lam bỏn xẻn, không có lòng ác độc. Như vậy là cứu họ không rơi vào ngạ quỷ. Súc sanh là loài không phân biệt lành dữ, thiện ác, tội phước v.v... Chúng ta tu nhờ trí tuệ thấy rõ tội phước, thiện ác, chánh tà… Từ đó hướng dẫn chỉ dạy mọi người lánh ác làm lành, bỏ tội tu phước, bỏ tà theo chánh. Đó là cứu mọi người thoát khỏi loài súc sanh.
Cứu ba đường khổ là cứu không gây nhân để bị quả đọa trong ba đường khổ, chớ không có nghĩa là vào ba đường khổ cứu tất cả chúng sanh trong đó ra. Cứu ở đây là cứu nhân địa ngục, nhân ngạ quỷ, nhân súc sanh. Nhân đã cứu thì quả nhất định sẽ thoát khỏi. Rõ ràng nhờ tu mà trên đền đáp bốn ân, dưới cứu giúp ba đường khổ.
T.T Thích Thanh Quyết ban đạo từ
Trong thời gian an cư, hạ trường cũng sẽ tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu, tổ chức thăm quan, học tập tại các địa phương và tùy hỉ các trường hạ tại các tỉnh thành hội Phật giáo.
Tặng hoa chúc mừng:
Văn nghệ chúc mừng và hình ảnh ghi nhận:
Đại Đức Thích Minh Hạnh dẫn chương trình
Đại đức Thích Quảng Viên đọc bình văn
Ảnh: Thanh Chinh. Bài: Ban TTTT PG Hà Nam