KINH ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN - PHẨM HAI, PHẨM BA, PHẨM BỐN

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Phật học Phật học

KINH ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN - PHẨM HAI, PHẨM BA, PHẨM BỐN

Phẩm hiếu dưỡng _thứ hai
Phẩm này nêu lên nguyên ủy do đâu Đức Phật và các hàng đệ tử của ngài đều phải báo ơn những đấng sanh thành. Đồng thời chỉ ra phương cách báo hiếu cho các hàng đệ tử Phật. Ở đây có hai vấn đề cần hiểu rõ trước tri đề cập đến việc báo hiếu.
1. Thuyết luân hồi _Samsàra
2. Phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh.
_ Thuyết luân hồi.
Thuyết này kỳ thực không hoàn toàn xuất phát từ Phật giáo, mà trong truyền thống tín ngưỡng Vệ-đà của Ấn Độ cổ xưa đã có nói nhiều đến thuyết luân hồi. Đức Phật, và nhất là Đại thừa giáo đã hệ thống thuyết luân hồi được hoàn chỉnh hơn trước thời Vệ-đà. Thuyết luân hồi cho rằng đời sống của mọi loại sinh vật nói chung và loài người nói riêng, từ vô thỉ đến nay luôn luân chuyển trong sáu nẻo là: Thiên, nhơn, A tu la, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Cứ như vậy mà lăn như bánh xe cho đến vô cùng. Kinh Tâm địa quán, nói: "các loài hữu tình, sinh trong sáu đường, như chiếc bánh xe lăn không có sau trước".
Kinh ĐPTPBA, Phẩm Hiếu dưỡng: "Như Lai khi còn ở trong đường sinh tử, ở trong tất cả các loài chúng sanh, cũng đã phải chịu đủ mọi thân hình nhiều như những hạt bụi, không thể lấy lòng nghĩ miệng bàn sao cho xiết được. Vì phải chịu thân như thế, cho nên tất chúng sanh, cũng đã từng làm cha mẹ của Như lai, Như Lai cũng đã từng làm cha mẹ của tất cả chúng sanh…"
Như vậy, hiếu không dừng lại ở việc phụng dưỡng cha mẹ như cơm ăn áo mặc hay thuốc thang khi đau yếu, mà hiếu còn có sự tương quan giữa quá khứ với hiện tại. Hiếu cũng không dừng lại ở cha mẹ đời hiện tại, mà hiếu còn có mối quan hệ với cha mẹ ở nhiều đời trong quá khứ. Do đó, báo hiếu không đơn giản chỉ thuần ở cha mẹ trong hiện kiếp. Vì "… tất cả chúng sanh từng là cha mẹ của nhau".
Phát tâm Bồ Đề:
Báo hiếu theo Phật giáo, là làm cho cha mẹ cả ở quá khứ lẫn ở hiện tại đều được biết tu tập và giải thoát. Muốn vậy phải phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm thượng cầu, hạ hóa. Nghĩa là trên thì cầu thành Phật, dưới thì hóa độ chúng sanh. Muốn cầu thành Phật; về tự thân luôn tinh tấn tu tập và thiền định, nhiếp hộ các căn, không cho phóng dật. Đồng thời hiểu rõ chúng sanh vì mê muội điên đảo, lầm chấp thấy có ba thừa, bị ái dục che đậy, chìm đắm trong bể khổ, bị bốn đảo làm cho điên đảo: đối với pháp hữu lậu, vọng tưởng, phân biệt; đối với các pháp là vô ngã, vọng tưởng thấy có ngã; đối các pháp là vô thường, vọng tưởng chấp cho là thường; đối các pháp không phải là vui, vọng tưởng chấp cho là vui; đối với các pháp là bất tịnh, vọng tưởng cho là tịnh; sinh, lão, bệnh, tử, biến đổi hoại diệt, niệm niệm vô thường, năm cái, mười triền, che đậy; luân hồi ba cõi, phải chịu sanh tử không có trước sau, giống như bánh xe".(ĐPTPBA phẩm hiếu dưỡng)
Bồ tát hạnh.
Nhận rõ nguyên nhân do đâu khiến chúng sanh phải trôi lăn trong nẻo luân hồi, Bồ tát quyết chí tu hành không phút giây xao lãng. Nói với Ngài Tĩnh Am thiền sư trong Văn Khuyến Phát Bồ đề tâm: "Thường văn nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ; tu hành cấp vụ lập nguyện vi tiên. Tâm phát tắc chúng sanh khả độ, nguyện lập tắc Phật đạo kham thành" (nghe rằng cửa tối yếu vào đạo, hàng đầu là việc phát tâm, việc khẩn cấp tu hành là lập nguyện. Phát được tâm Bồ đề ắt sẽ độ được chúng sanh. Thệ nguyện đã được lập chắc chắn Phật đạo sẽ thành.
Vậy theo Phật giáo dù có moi gan xẻ thịt để cung phụng cho cha mẹ trong cơn đói khát cùng cực như trường hợp của thái tử Tu Xà Đề được kể trong kinh, thì đó cũng không gọi là cách báo hiếu rốt ráo. Bởi:
1. Cha mẹ dù có tạm qua cơn đói, nhưng kết cục thân tứ đại của cha mẹ cũng sẽ hoàn lại cho tứ đại.
2. Trong khi đó, vọng nghiệp do cha mẹ và chúng sanh gây tạo vẫn còn nguyên vẹn, và tiếp tục sinh tử, tử sinh trong ba cõi, sáu đường.
Do đó, cúng dường cha mẹ là điều cần phải làm, nhưng điều cần hơn là phát quãng đại nguyện tâm như trường hợp của Thái tử Tu Xà Đề _ tiền thân của Đức Phật_ đã phát nguyện: "Tôi ngày nay cũng chẳng nguyện sinh làm Thiên ma vương, Phạm vương, Thiên vương, Nhân vương, hay chuyển luân Thánh vương, mà tôi chỉ muốn cầu đạo Vô thượng Bồ đề, để độ thoát cho tất cả chúng sanh mà thôi".
Hoặc như Thiện Tài Đồng Tử (trong kinh Hoa Nghiêm) đã phát nguyện: "Ngã kim phát tâm, bất vị tự cầu nhơn, thiên phước báu. Thinh văn, Duyên giác, nải chí quyền thừa chư vị bố tát, duy y tối thượng thừa, phát Bồ đề tâm nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A Nậu đa la tam miệu tam bồ đề" (tôi nay phát tâm, không vì mình mà cầu hưởng phước báo, cõi người, cõi trời, hoặc cầu hưởng phước báo của quả vị Thanh văn, Duyên giác, cho đến phước báo quyền thừa của chư vị Bồ tát. Chỉ duy nhất là quả vị tối thượng đó là; phát quãng đại nguyện tâm thề độ tất cả chúng sanh trong pháp giới đều chứng đắc Vô thượng chánh đẳng, chánh giác). Bồ tát phát quãng đại nguyện tâm như thế, vì Bồ tát quán sát thấy rằng: "Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tối tăm, chịu lấy thân phận nguy khốn, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết đến dồn dập, đủ các thứ khổ não. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo khổ ấm thân, nên lưu chuyển vô cùng. Ta lúc nào mới hiểu rõ khổ ấm và diệt hết sanh, già, bệnh, chết?" (Kinh Trường A hàm – Phẩm Sơ Đại Bổn Duyên).
Muốn hiểu rõ khổ ấm và diệt hết sanh, già, bệnh, chết, Bồ tát phải quán Thập nhị nhân duyên: "Sanh tử từ đâu, duyên đâu mà có?". Và thấy rằng: "Do sanh mà có lão tử; sanh là duyên của lão tử; sanh lại do hữu mà có, hữu là duyên của sanh; hữu từ thủ mà có, thủ là duyên của hữu; thủ từ ái mà có, ái là duyên của thủ; ái thừ thọ mà có, thọ là duyên của ái; thọ từ xúc mà có, xúc là duyên của thọ; xúc từ lục nhập mà có, lục nhập là duyên của xúc; lục nhập từ danh sắc mà có, danh sắc là duyên của lục nhập; danh sắc từ thức mà có, thức là duyên của danh sắc; thức từ hành mà có, hành là duyên của thức, hành do vô minh mà có, vô minh là duyên của hành.
Như vậy tức là do vô minh mà có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, ưu bi, khổ não. Đây là cái ấm thân đầy dẫy khổ não do duyên sanh mà có; đó là khổ tập. Lúc Bồ tát suy nghĩ đến khổ ấm tập thì chánh trí sanh, tuệ nhãn sanh, chơn giác sanh, minh liễu sanh, thần thông sanh, trí tuệ sanh và chứng ngộ sanh" (Trường A Hàm, kinh Sơ Đại Bổn Duyên)
Trên đây là quá trình thiền quán tư duy và chứng nghiệm tự thân của mỗi người tu hành. Ta có thể nói như thế này: nguyên ủy của việc tu hành trong Phật giáo là xuất phát từ việc thấy rằng cái vô lý, cái bất lực muôn thuở của con người là cái chết. Chết được coi như chấm dứt tất cả những gì con người tạo dựng và đồng thời cũng mịt mù không biết được cái gì, hay điều gì sẽ xảy ra. "Tiền lộ mang mang, vi tri hà vãng" Đường phía trước mù mù chẳng biết về đâu! Vậy muốn chiến thắng, muốn vượt qua cái chết, cái vòng luân hồi, cách duy nhất là nhận ra nguyên nhân; khi nhận ra nguyên nhân thì quyết chí tinh tấn tu tập theo những gì Đức Phật chỉ dạy: "Thế nên A Nan! Ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với pháp nào khác, hãy tự nương tựa với chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác".
Thế nào là tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác? Hãy tự mình nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp, đừng nương tựa pháp nào khác? Này A-Nan! A? là các tỳ kheo trước phải lo quán sát trong thân, sau đó quán sát ngoài thân, cuối cùng quán sát cả trong lẫn ngoài thân, quán sát một cách chuyên cần, không biếng nhác, nhớ mãi để diệt trừ sự tham luyến, lo buồn của thế gian, và tiếp theo sự quán sát trên, là quán sát về thọ, về tâm lý, về các pháp cũng như thế" (Trường A hàm, kinh Du Hành)
Vậy, có thể nói rằng: chỉ có tu chứng thánh đạo, và giải thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sinh tử, ta mới thực sự báo ơn, đền ơn cha mẹ cả trong quá khứ lẫn ở hiện tại một cách đầy đủ và rốt ráo nhất. Nói cách khác, tu hành theo giáo pháp của Đức Phật là tự mình thắp sáng nhân cách của chính mình, đồng thời dùng nhân cách sáng ngời ấy soi đường cho tất cả chúng sanh thấy, và tránh những cạm bẫy nguy hiểm và độc hại mà từ vô lượng kiếp đến nay họ cứ luôn bị vấp ngã! Hiếu dưỡng là vậy.
Phẩm thứ ba: Đối trị.
Đây là phẩm kinh vạch rõ và chỉ cho thấy, muốn cứu độ chúng sanh, Bồ tát không một khoảnh khắc có thể lìa bỏ Đại bi tâm. Muốn giữ gìn Đại bi tâm, Bồ tát phải luôn xa lìa ái dục, và tinh tấn tu hạnh thanh tịnh nhằm phòng hộ tam nghiệp, khiến cho tham nhiễm tâm không có điều kiện sinh khởi, muốn cho tham nhiễm tâm không có điều kiện sinh khởi, cách tốt nhất là không bao giờ xâm phạm đến tánh mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm của người khác:
"… phàm loài nào có tính mạng đều không muốn chết như tôi. Cho nên Bồ tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không cướp đoạt thân mạng của kẻ khác". Vì Đức Phật dạy: "cướp đi mạng sống của kẻ khác thì dễ, nhưng trả lại mạng sống cho họ là điều không thể làm được" (taking life which is so easy to take, but so hard to give back again) (Quoted in Bhikkhu Silacara, life of the Buddha, pp.149-150)
Về tài sản cũng thế: "…tôi không muốn người khác xâm chiếm của cải của tôi, tất cả chúng sanh cũng lại như thế. Cho nên Bồ tát cho đến phải táng thân thất mạng, đối với y phục, của cải, thức ăn uống của chúng sanh, trọn không sanh tâm cướp đoạt" Hoặc: " Như tôi không muốn người khác dùng cường lực uy thế bức hiếp đè nén, không cho tôi được tự do trình bày sự thanh bạch của tôi, tất cả chúng sanh cũng lại như thế, cho nên Bồ tát, cho đến táng thân thất mạng, trọn không đem những sự phi lý để gia hại chúng sanh" (kinh ĐPTPBA)
Đức Thánh Khổng cũng dạy: "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". (cái gì mình không muốn đừng đem sự không muốn ấy áp đặt lên kẻ khác)
Bồ tát chẳng những không xâm phạm đến tính mạng, tài sản…vv của chúng sinh mà bồ tát còn thấy rõ tất cả chúng sanh như đang trong cơn khát, đó là khát ái, khát dục, khát A-lại-da vô cùng trầm trọng. Chúng sanh vì không tự mình nhận ra cơn khát, nên cường độ cơn khát càng trở nên dữ dội, và nó đốt cháy chúng sanh trong hỏa ngục của ảo ảnh! Vì khát ái, nên chúng sanh cứ luôn vồ chụp tất cả những gì mình thích. Vì khát dục, nên chúng sanh không bao giờ chịu vừa ý với những gì mình có, và vì khát A- lại- da, nên chúng sanh luôn thấy cái ta của mình là trên tất cả! Kỳ thực, từ tính mạng cho đến tài sản, và luôn cả những ý niệm về cái ta, tựu trung chỉ là cái giếng khô mà ta là những kẻ đang trong cơn khát đổ xô đi tìm bởi cứ ngỡ đó là giếng nước mát, để rồi tất cả đều bị té xuống giếng, như sự miêu tả trong kinh.
Ngoài ra, Bồ tát không vì thấy chúng sanh nghèo đói mà đem tài vật ra cung cấp, nhằm xoa dịu và an ủi sự nghèo túng của họ. Như vị đại thí chủ được đề cập trong kinh, ông ta có thể cung cấp và làm thỏa mãn mọi nhu cầu của những kẻ nghèo đói, nhưng rồi cũng vô ích. Vì kết quả của sự thỏa mãn ấy là cái chết do trúng độc. Làm sao có thể an hưởng sự yên bình trong khi "ba con rắn độc" là tham, sân và si hãy còn nguyên vẹn hình hài trong tự thân tâm của mỗi chúng sanh? Do đó Bồ tát bố thí quốc, thành, thê, tử, và luôn cả đầu, mình, tứ chi vv… không chỉ nhằm mục đích là đưa chúng sanh qua bên kia bờ giác mà còn nhằm trừ khử những cơn khát ái, khát dục, và khát A-lại-da. Có thế Bồ tát mới thành tựu được đạo Bồ đề. Đạo Bồ đề có thể được bắt nguồn từ nửa bài kệ, nửa câu kinh. Đó là phương pháp đối trị hữu quả nhất mà Bồ tát cần thực hiện trong quá trình tu tập. Cùng với sự trừ khử trên, Bồ tát luôn thương tưởng đến chúng sanh. Đây là nội dung phẩm thứ bốn_ phát Bồ đề tâm.
Phát tâm Bồ Đề, phẩm thứ bốn.
Phát tâm Bồ đề ở phần trên đã trình bày; ở đây chỉ nói thêm tâm Bồ đề là tâm biết rung động, biết xốn xang, biết đau xót và biết thương yêu, cứu giúp trước những cảnh huống đau khổ, bất hạnh của chúng sanh và đồng loại. Nguyên nhân sâu xa của tình thương hay của lòng từ bi của tâm bồ đề được phát nguyên từ sự nhận thức rõ nguyên do của cái khổ, hay cảnh khổ mà chúng sanh phải gánh chịu.
Khổ có nhiều, nhưng chung qui là do sự tác động từ bên trong và bên ngoài.
_ Bên trong là cái khổ do nhận thức sai về vạn hữu bên ngoài. Đa phần chúng ta luôn bị hấp dẫn, bị lôi kéo, hay bị cuốn hút bởi những hiện tượng muôn hồng ngìn tía của những ảo ảnh; những ảo ảnh này_ nói theo Duy thức học_ là do nội thức của chúng sanh biến hiện ra rồi lại nương vào sự biến hiện đó mà cho là thực có. Cái được cho là thực có, theo Duy thức học không là gì khác, mà đó là do Biến kế sở chấp của nhiễm ô thức, từ sự nhận thức "thố mậu" hay sai lầm về vạn hữu mới sinh khởi tham, sân, si nơi tâm. Chính tâm tham, tâm sân và tâm si nhấn chìm chúng sanh trong bể khổ. Đó là cái khổ bên trong.
_ Bên ngoài là cái khổ do thiên tai; bão, lụt, động đất, hỏa hoạn, núi lửa vv… nhất là chiến tranh!
Chúng ta ngày nay đang sống trong một thế giới mà không biết đó là thế giới văn minh hay bán khai. Có những vấn đề rất rõ ràng nhưng lại rất khó hiểu. Có những nhà bác học ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế nhiều phương thuốc để cứu chữa những chứng bệnh hiểm nghèo, nhằm giúp con người có được đời sống an lành và hạnh phúc. Nhưng cũng có những nhà bác học gò lưng nghiên cứu tìm tòi và chế tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt như bom đạn hạt nhân chẳng hạn. Có những nhà khoa học luôn ưu tâm trước những đói khổ của nhân loại, đồng thời cũng có không ít những nhà "trí thức" không ngừng tìm cách thu tóm lợi nhuận tối đa về cho bản thân mình, tập đoàn mình, quốc gia mình, và bất kể đến những khổ đau, thiếu thốn, chết chóc của đồng loại. Lại có những người nhân danh thần thánh để đẩy con người vào hận thù và sát hại lẫn nhau. Đồng thời không thiếu những người nhân danh sự văn minh, tiến bộ để đi khai thác và bóc lột đồng loại một cách vô cùng tinh tế, nhưng không kém phần dã tâm! Loài người thật khó hiểu; người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ tỉ đô la để mua sắm vũ khí, và đủ loại trang thiết bị quốc phòng hiện đại. Nhưng người ta lại rất nhỏ giọt khi bỏ tiền ra cứu trợ những nạn đói, nạn dịch bệnh, thiên tai vv… luôn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Con người, ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng lại luôn tạo ra những bất ổn cựu kỳ nguy hiểm. Tôn giáo, triết học vv… cũng đã giảng giải, chỉ dạy những điều hiền thiện từ bao đời nay, nhưng dường như chưa có mấy hiệu quả. Có lẽ những điều hiền thiện dường như xa vời với những ham muốn trần tục của con người. Do vậy cái mà những kẻ giàu mạnh cho là hạnh phúc hay đó là thành quả của quá trình bóp chẹt lẫn nhau? Kẻ thắng, kẻ giành phần hơn được gọi là hạnh phúc. Kẻ thua, kẻ bị thiệt hại đương nhiên là đau khổ, có lẽ là như vậy!
Có thể nói một cách tương đối, ngày nay con người đang sống trong một môi trường nhân văn còn bị vướng rất nhiều mâu thuẫn; những mâu thuẫn này nếu không sớm được giải quyết, rất có thể trong một tương lai nào đó, những mâu thuẫn này sẽ dẫn con người đi đến hoại diệt. Do đó, con người cần sáng suốt kiềm chế tư tâm, tư dục của bản thân, của đoàn thể, của đảng phái và của quốc gia, may ra mới giải quyết được những mâu thuẫn đầy nguy hiểm của chính con người tạo ra. Phương pháp để giải quyết những mâu thuẫn theo Phật giáo tốt nhất là phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là lòng yêu thương vô điều kiện và hoàn toàn chân thực; bởi tâm Bồ đề chỉ được phát khởi từ những con người đã đứng trên, đứng ngoài tất cả mọi tranh chấp và xung đột, những con người không còn đứng giữa đấu trường: được thì vui, mất thì buồn, thắng thì kiêu căng, thua thì sầu não. Người phát tâm Bồ đề là người không còn bị tư tâm, tư dục trói buộc và sai khiến. Nói như kinh Kim Cang, người phát tâm Bồ đề là người không còn: "ngả tướng, nhân tướng, thọ giả tướng"- tức không chấp vào cái ta của chính mình, cái ta của người và cái thân mệnh giã hợp của kiếp con người. Với mọi người chúng ta, tình thương yêu được xuất phát từ tâm Bồ đề đủ để: vừa làm nơi nương tựa cho mọi người đang sống trong biển tranh chấp và nghi kị vừa tạo được niềm tin nhằm xoa dịu và dập tắt tất cả mọi ngọn lửa hận thù, đố kị đang ngấm ngầm nung nấu giữa lòng cuộc sống và không biết được đến khi nào sẽ bộc phát.
 
 Hình ảnh giảng sư từ trên xuống: ĐẠI ĐỨC THÍCH THANH THUẬN, ĐẠI ĐỨC THÍCH QUẢNG VIÊN, ĐẠI ĐỨC THÍCH THANH QUANG, ĐẠI ĐỨC THÍCH ĐẠO DUYỆT.
Ban TTTT PG Hà Nam
Video
Tin nhiều người đọc
Back to top