Đạo Đức Phật Giáo Trong Kinh Tạng PaLi

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Phật học Phật học

Đạo Đức Phật Giáo Trong Kinh Tạng PaLi - Thích Viên Hiếu

Đạo Đức Phật Giáo Trong Kinh Tạng PaLi - Thích  Viên Hiếu

Có thể nói đạo đức là yếu tố quyết định tối quan trọng trong đời sống của chúng ta. Ngày nay chúng ta phải đối mặt với bao khủng hoảng, sợ hãi. Nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chúng ta đã có những tiến bộ đối với các điều kiện vật chất hữu dụng và thiết thực. Nhưng nếu so sánh sự phát triển vật chất bên ngoài và sự thăng tiến tâm linh bên trong thì rõ ràng sự tiến bộ bên trong rất chậm chạp. Tại nhiều quốc gia, những vấn đề khủng hoảng như khủng bố, giết người… gia tăng. Mọi người đang lo lắng trước tình trạng suy thoái đạo đức và gia tăng tội ác …Thiết nghĩ mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với toàn nhân loại, phải xem mọi người như anh chị em ruột thịt và phải giúp đỡ họ vượt thoát khổ đau. Muốn làm được điều ấy không gì hơn là chúng ta cùng ôn lại , cùng tìm hiểu những lời dạy những chuẩn mực đạo đức mà đức Thế Tôn đã dạy. Với bài viết: Đạo Đức Phật Giáo Trong Kinh Tạng PaLi [1] giúp cho mọi người hiểu rõ thêm  những lời dạy nguyên thủy từ kim khẩu của Đức Thế Tôn nói ra. Hầu giúp cho mọi người có được cuộc sống hạnh phúc an lạc, cùng hướng tâm xây dựng một tương lai tươi đẹp và để tâm nhiều hơn đến quyền lợi của nhân loại.

  1. Khái niệm về đạo đức:
    1. Đạo đức là gì?

Đạo đức là một danh từ chỉ về nhân cách của con người. Rất thường gặp và dễ dàng hiểu tùy theo trình độ. Những nguyên lý đạo đức chế ngự và ảnh hưởng đến hành vi của con người. Hệ thống những nguyên lý đạo đức hay nguyên tắc đạo đức của hành vi. Con người muốn hoàn hảo thì phải tự biết hòa điệu giửa tự thân và tha nhân, gia đình và xã hội và thiên nhiên. Khái niệm đạo đức hoàn toàn do con người quyết định được thiết lập ngay trong đời này.

Trong các ngôn ngữ phương Tây, thuật ngữ “đạo đức” đều có nguồn gốc từ “tập quán”[2]. Điều này không chỉ đơn thuần là vấn đề từ ngữ, mà ở đây đã bộc lộ bản chất của đạo đức: phong tục tập quán là những thói quen sống, sinh hoạt, ứng xử, được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng nhằm duy trì những nếp sống mà cộng đồng cho là tốt đẹp, qua đó bảo vệ bản sắc và thậm chí cả sự sống còn của cộng đồng.

Đạo đức tiếng Anh gọi là Ethic có nghĩa: Moral principles that control or influence a person‘s behavior. A system of moral principles or rules of  behavioul[3]. (Những nguyên lý đạo đức chế ngự và ảnh hưởng đến hành vi của con người. Hệ thống những nguyên lý đạo đức hay nguyên tắc đạo đức của hành vi).

Từ điển Đào Duy Anh giải thích: “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức. Cái pháp lý người ta nên noi theo”[4]. 

Từ điển Thiều Chửu định nghĩa: “Đạo Đức là cái đạo để lập thân”[5]. 

Theo Phật Quang Đại Từ Điển của Hòa Thượng Quảng Độ (dịch), đạo đức được định nghĩa như sau: “Đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại. Đạo đức chữ La tinh là mors, cùng nghĩa với chữ êthos (tập tục), bởi vì tập tục là nền tảng đạo đức và pháp luật, trong đó pháp luật là phép tắc trong hoạt động xã hội, còn đạo đức thì là mẫu mực tất yếu của cá nhân trong phép tắc sinh hoạt xã hội loài người”[6].

Từ điển Graw Hill Book định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi ý chí, tình  cảm và ý chí.”[7]

Từ điển Từ Nguyên  giải thích: Đạo đức: Lễ Khúc Lễ nói : “Đạo đức nhân nghĩa không lễ không thành” , Trịnh Chú Châu Lễ giải thích rằng: “Đạo nhiều tài nghệ, đức có thể vâng làm. Nay nói về đạo đức, nếu nói rộng thì bao trùm cả vạn sự, nếu nói tâm là tài nghệ và thiện hạnh của con người. Không luận rộng hay hẹp đều phải dùng lễ mà thực hành, lễ này là công cụ tạo nên đạo đức cho nên nói không lễ không thành tài nghệ thiện hạnh của con người. Người được coi có đạo đức là nhờ bản thân được khai thông. Bản thân có sự tốt đẹp với đạo lý cho nên gọi là đạo đức”[8].

 Vậy, Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích.  Đạo đức là vấn đề liên hệ đến giá trị tốt xấu, thiện ác của đời sống con người. Dựa vào các quan niệm, các nguyên tắc đạo đức, con người có thể điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Điều đó được biểu hiện qua những hình thức khác nhau như lương tâm, trách nhiệm, bổn phận.v.v… Đạo đức được hình thành tự phát bởi nhu cầu và lợi ích xã hội được mọi người chấp nhận.

  1. Các quan niệm về đạo đức.

Như đã đề cập, giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức tùy theo mỗi hệ tư tưởng, mỗi thời đại, v.v...mà có sự sai khác. Tuy nhiên, đạo đức là vấn đề luôn được đáng quan tâm. Cho nên, trong kho tàng văn hóa nhân loại, quan niệm về đạo đức không phải là ít. Đây là phạm trù mà các nhà tư tưởng lớn của thế giới thường đề cập.

Vào khoảng 500 B.C, Hy Lạp, chiếc nôi của nền văn minh phương Tây, nơi xuất hiện nhiều triết gia như Socrate, Platon, Aristote... mỗi vị đều có một quan niệm về đạo đức riêng đáng để cho đàn hậu lai tham khảo và học tập.

Socrate[9], nhà triết học duy tâm Hy lạp cổ đại (469 - 396 B.C) cho rằng: "Một nền đạo đức thì không thể căn cứ vào một hệ thống giáo lý mơ hồ. Ta có thể tạo dựng một nền đạo đức hoàn toàn không lệ thuộc vào thần học, một nền đạo đức có thể phù hợp cho những người có tôn giáo và không tôn giáo. Và như thế, nền đạo đức cũng có thể ổn định xã hội mà không cần đến thần học"[10].

Sang phương Đông, Trung Hoa là nơi có nền văn hóa cổ đại nhất. Ở đây, với những tư tưởng lỗi lạc, các vị Thánh nhân đã để lại cho nhân loại một nền triết lý sâu sắc. Trong đó, tiêu biểu nhất là tư tưởng về đạo đức.

Khổng Tử (551 - 479 B.C)[11]: Đạo đức của Khổng Tử chủ yếu qua thuyết "chính danh" nhằm mục đích chính trị và ổn định xã hội. "Đức" của Khổng Tử là sự khái quát về mặt thực tiễn đạo đức tư tưởng nhân đạo của ông. Khổng Tử không những coi trọng tri thức đạo đức mà còn coi trọng thực tiễn đạo đức. "Đức" chính là phẩm chất tư tưởng của con người thông qua học tập và thực hành đạo mà thu được vào mình, giữ lại cho mình.

Quan niệm đạo đức, truyền thống của người Việt Nam đã thể hiện phổ biến qua cuộc sống của người dân. Cụ thể là những câu ca dao, tục ngữ, thi ca; sự tích, để từ đó động viên nhau, chỉ bảo nhau,  đạo đức của người Việt rất đơn giản như câu nói miệng của nhân dân “Có Đức mặc sức mà ăn”.

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng." -- (Ca dao)

"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." -- (Ca dao)

 Cuộc sống cũng nhờ đó mà ngày càng tốt đẹp hơn. Con người đã sinh ra ở đời thì phải sống. Tuy nhiên, sống phải ra sống, nghĩa là sống sao cho có ý nghĩa, mọi việc làm, lời nói, ý nghĩ đều đem lại lợi lạc, hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng mình đang sống; không vì một chút tiền tài, danh vọng mà bán rẻ phẩm giá của mình. Mọi người phải biết tự trọng, biết sống thanh bạch. Đây chính là triết lý sống, là nền đạo đức căn bản của người Việt Nam.

  1. Phương Diện Hình Thành Đạo Đức Phật Giáo
    1. Căn cứ trên luật nhân - quả.

Điểm rất đặc biệt của đạo đức Phật giáo là chấp nhận luật nhân quả -  nghiệp báo làm định luật chi phối hành vi thiện ác của mình. Chính vì vậy đức Phật xác nhận con người là chủ nhân của nghiệp[12] và cũng là thừa tự nghiệp của mình. Nghiệp nhân do mình dụng tâm tạo ra, thời nghiệp quả ấy do mình nhận lãnh không thể trốn chạy. Nói một cách khác, con người tự chủ động hành vi của mình, và chịu trách nhiệm đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, không quy trách nhiệm cho thần Thánh hay bất cứ một lực lượng siêu nhiên nào. Chỉ có con người và con người mà thôi là chịu phần trách nhiệm về cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ của bản thân mình.

“Tự mình, điều ác làm

Tự mình, làm nhiễm ô

Tự mình, ác không làm,

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.”[13]

Như vậy, chỉ có hành động là quan trọng vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người, và con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp và khi nghiệp đã làm rồi thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp.

“Không trên trời dưới biển

Không lánh vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả ác nghiệp”[14].

Với những định luật nhân quả nghiệp báo như vậy thì chúng ta phải chấp nhận mọi sự kiện xảy ra trong đời sống, dù thuận hay nghịch đều không phải do ý muốn của thần Thánh, cũng không do ngẫu nhiên may rủi mà đều là do nghiệp nhân quá khứ, do chúng ta tạo ra trong quá khứ đã đến thời điểm chín mùi. Do vậy, không có gì hạnh phúc hay đau khổ nếu sự kiện thuận nghịch hay bất hạnh. Nếu quá khứ ảnh hưởng quyết định đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, thì cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang sống, một cuộc sống hướng thượng được soi sáng dẫn đường bằng Chánh pháp, sẽ quyết định tương lai quang vinh, an lạc và hạnh phúc của chúng ta, vì cuộc sống hiện tại đang nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta.

Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo trong mỗi hành vi, lời nói và ý nghĩ, phải biết luôn luôn chế ngự mình, không những không nói lời bất thiện, không có hành vi bất thiện, mà thậm chí không để lọt vào nội tâm của mình dù là chỉ thoáng qua ý nghĩ bất thiện, một tư tưởng bất thiện, một cảm xúc bất thiện. Đạo Phật gọi đó là “tự tịnh kỳ ý”, nghĩa là tự làm cho tâm ý mình trong sạch. Bởi lẽ chỉ có tâm ý thuần thiện, không có ác cấu nhiễm mới định tỉnh (định), mới sáng suốt (tuệ), thấy được chân tướng của sự vật.

  1. Thể hiện qua các mối liên hệ trong cuộc sống

Hệ thống Kinh điển của Phật giáo luôn đặc nền tảng trên tinh thần duyên sinh vô ngã để trình bày về nhân sinh và vũ trụ quan một cách rất khoa học. nhằm mục đích chứng minh cho sự hiện hữu của vạn pháp đều tồn tại dưới dạng nhân duyên. Vì thế, sự hiện hữu của con người và gia đình, xã hội cũng không ngoài những qui luật trên. Từ quan điểm đạo đức Phật giáo bảo đảm hạnh phúc và an lạc cho cá nhân, chúng ta bước qua một lãnh vực khác, đạo đức Phật giáo có khả năng đóng góp gì và tương quan gì cho vấn đề xây dựng một xã hội tốt đẹp?

 Một xã hội thực sự nhân bản, trong ấy nhân phẩm được tôn trọng, quyền lợi căn bản con người được bảo đảm; một xã hội công bằng, không cho phép tồn tại đặc quyền đặc lợi của bất cứ một giai cấp nào trong xã hội; một xã hội văn minh và có văn hóa là xã hội luôn biết coi trọng và phát huy mọi chân giá trị của cộng đồng. Trong một xã hội tốt đẹp, quan hệ giữa người và người cũng phải tốt đẹp, giàu tình người. Và chính những tính chất đạo đức đó, đức Thế Tôn đã nói ra cách đây hơn 2500 năm mà vẫn còn y nguyên chân giá trị.

  • Đạo đức Phật giáo trong  gia đình

Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ. Nó cần phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết về chuẩn mực đạo đức của Phật dạy trong mỗi thành viên, theo từng vai trò và bổn phận trách nhiệm thì gia đình mới có một hạnh phúc đích thực  được. Vì thế, Muốn duy trì sự kiện toàn hạnh phúc gia đình thì mỗi cá nhân không thể không tự tạo và thể hiện bổn phận và trách nhiệm của mình theo lời Phật dạy được.Vì thế, đức Phật đã đưa ra những nguyên tắc sau để làm chuẩn mực cho mỗi cá nhân thực hiện nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình đúng chánh pháp. Theo Kinh Thiện Sanh trong Trường A-Hàm, đức Phật dạy rằng: “Sáu nghiệp tổn tài là: đam mê rượu chè; cờ bạc; phóng đãng; say mê kỹ nhạc; kết bạn với người ác; biếng lười”[15]. Như vậy chúng ta biết đức Phật rất chú trọng đến kinh tế gia đình, và đây cũng là những điều trái với đạo đức như Phật đã phân tích trong những lỗi sau đây làm cho sản nghiệp ngày một hao mòn, tiêu tán:

“- Uống rượu có sáu lỗi: mất của; sanh bệnh; gây gổ; tiếng xấu đồn xa; dễ gây nóng giận; trí tuệ mỗi ngày một giảm dần.

- Cờ bạc có sáu lỗi: tài sản hao mòn; thắng thì bị người oán; người trí chê cười; mọi người không kính trọng; bị người xa dần; sanh tâm trộm cướp.

- Phóng đãng có sáu lỗi: không tự giữ lấy thân; không giữ gìn được của cải; không bảo trợ được con cháu; thường sợ hãi  những điều ác, khổ sẽ ràng buộc xác thân; thường sanh dối tra.

- Mê kỹ nhạc có sáu lỗi: ưa ca hát; thích khiêu vũ; mê đàn địch; chuộng tiêu sáo; ước đánh trống; mê thổi kèn.

- Kết bạn với người ác có sáu lỗi: dễ sanh khinh lờn; ưa chỗ thầm kín; dụ người nhà khác; mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; mưu đồ tài lười về mình; ưa phanh phui lỗi người.

- Lười biếng có sáu lỗi: khi giàu sang không chịu làm việc; khi nghèo cũng không chịu làm việc; khi lạnh không chịu làm việc; khi nóng không chịu làm việc; sáng sớm không chịu làm việc; chiều tối không chịu làm việc.”[16]

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống trong sạch và chánh thiện. Đạo đức đó kêu gọi tất cả chúng ta hãy trở về với con người thật của mình. Muốn xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thì theo đức Phật, trước hết phải chọn nghề nghiệp mưu sinh chính đáng, nếu không, vì lòng tham muốn quá độ sẽ dẫn đến hành vi phạm tội.

 Trong Tăng Chi Bộ Kinh, khi được hỏi cần phải hành trì những pháp gì để đem lại hạnh phúc trong hiện tại, đức Phật đã trả lời: “có bốn pháp, tức là tháo vác, phòng hộ, làm bạn với thiện, sống điều hòa”[17]. Tháo vác là nắm thật vững nghề nghiệp của mình, mọi người phải có một nghề trong tay để sinh sống và thiện xão trong nghề ấy. Thứ hai là phòng hộ, tức là phải khéo léo phòng hộ tài sản thu hoạch được, do công sức làm ra đúng pháp. Tài sản tạo ra đứng pháp ấy cần phải được hộ trì, bảo vệ, không cho lửa thiêu đốt, không cho kẻ thừa tự hư hỏng chiếm đoạt. Làm bạn với thiện nghĩa là làm bạn với người có lòng tin để học tập lòng tin, làm bạn với người có giới đức để học tập giới đức, làm bạn với người chăm bố thí để học tập bố thí, làm bạn với người trí để học tập trí tuệ. Sống điều hòa tức là sống có tiền nhập nhiều hơn tiền xuất, sống vừa phải, không qua keo kiệt bỏn xẻn, không quá phun phí xa hoa, sống một đời sống thăng bằng điều hòa. Khi đã có tài sản trong tay, đức Phật khuyên nên dùng tài sản ấy như thế nào để đem lại hạnh phúc an lạc cho cho mình, cho vợ con mình, cho những người phục vụ mình, cho bạn bè bà con thân hữu mình. Có tài sản không phải chất chứa để làm giàu, không phỉa nhịn ăn nhịn uống để tích trữ. Đức Phật khuyên nên dùng số tiền thu hoạch đúng pháp để đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người xung quanh, và như vậy thì xã hội đoạn trừ được nhiều tham nhũng, bất công, lừa đảo.v.v...                                    

  • Trong quan hệ xã hội. 

Đọc và suy ngẫm về những lời dạy của đức Phật, dù đã nói cách đây hơn hai nghìn rưỡi năm, chúng ta cũng phải ngạc nhiên về tính thiết thực hiện tại trong những lời dạy của Ngài như những quan hệ về gia đình và xã hội rất chi tiết như sau:

  • Trong nếp sống đạo đức gia đình
  • Tương hệ giữa cha mẹ và con cái[18]

Đây là mối tương hệ thiêng liêng đáng được đảnh lễ. Và ý nghĩa đảnh lễ đích thực là quay về thực hiện các điểm: Cha mẹ nuôi con ăn học tốt. Khi con lớn lập gia thất cho con nơi xứng đáng. Lúc cha mẹ lớn tuổi, trao tài sản cho con. Con cái biết kính trọng, vâng lời cha mẹ. Lo học hành chăm chỉ. Giúp đỡ cha mẹ khi cần. Phụng dưỡng cha mẹ khi già. Lo đám tang cho cha mẹ hẳn hoi theo phong tục tập quán.

  • Tương hệ giữa chồng và vợ[19]

Chồng đối với vợ phải thương yêu vơ. Trung thành với vợ. Săn sóc đời sống vật chất cho vơ. Kính trọng gia đình vợ…

 Vợ đối với chồng: Thương kính chồng. Trung thành với chồng. Quản lý gia đình tốt. Siêng năng làm việc. Đối đãi tốt với gi đình chồng và bạn bè chồng.

  • Tương hệ giữa thầy và trò[20]

Thầy đối với trò dạy tốt. Dạy nghề cho trò để khivào đời có thể sinh sống…

Trò đối với thầy: Học tốt, chăm chỉ. Vâng lời chỉ dạy của thầy. Giúp đỡ thầy khi cần.

  • Tương hệ anh em, bà con láng giềng[21]

    Giữ tình chung thuỷ, không bỏ nhau khi khó khăn. Giúp đỡ nhau khi ốm đau, khó khăn.

  • Tương hệ giữa chủ và thợ[22]

Chủ đối với tớ: Trả lương tương xứng với việc làm. Thỉnh thoảng cho thêm tiền thưởng. Săn sóc giúp đỡ thuốc men khi đau ốm.

Thợ đối vói chủ: Hết lòng lo việc. Trung thành với chủ. Thành thật phục vụ.

Trong cuộc sống chúng ta đang tồn tại trong vô vàng các mối liên hệ luôn đang xen để tồn tại. vì vậy, nhân cách được thể hiện qua đạo đức sống luôn đóng vai trò quan trọng. qua đoạn kinh trên, Phật đã dạy những phương cách tối thiểu mà mỗi các nhân muốn hoàn thiện bổn phận trách nhiệm giửa tự thân và cộng đồng xã hội ta cần phải có. Đây là những quan hệ xã hội mẫu mực và lý tưởng có giá trị vượt thời gian. Từ khi đức Phật xuất hiện cho tới nay, hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, hơn nữa hoàn cảnh của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ hoàn toàn khác xa với hiện nay, thế nhưng tất cả chúng ta phải khâm phục tinh thần bình đẳng và nhân bản toát lên từ những lời dạy của đức Phật về mối quan hệ xã hội giữa người và người.

  1.  Đạo đức Phật giáo xây dựng hạnh phúc thiết thực cho  nhân loại

 Ta có thể khẳng định, mọi quan hệ xã hội nhân bản và bình đẳng đều có giá trị đạo đức. Mà ở đâu có đạo đức thì ở đó có hạnh phúc. Ở đâu có hạnh phúc thì ở đó có đạo đức. Đạo đức và hạnh phúc hòa với nhau như nước với sữa, không thể tách rời. Khi đức Phật còn tại thế, nhân lúc hai nước Cộng hòa Vajji (Bạt kỳ), và vương quốc Magadha chuẩn bị giao tranh, vua A-Xà-Thế phái đại thần Vassakara đến yết kiến đức Phật. Đức Phật không trả lời trực tiếp mà dạy rằng: “Nếu một đất nước hội đủ bảy điều sau đây thì già trẻ càng tăng thêm, nước ấy càng được an ổn lâu dài, không ai có thể xâm lăng được: “Thường nhóm họp để bàn luận về việc chính sự; trên kính, dưới nhường (phát huy tinh thần đoàn kết); thường tôn trọng luật pháp, hiểu rõ những điều quốc cấm và có lễ độ (tôn trọng truyền thống); hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận sư trưởng; tôn trọng đền miếu, kính nể quỷ thần; khuê môn chân chính, trong sạch không dơ, cho đến các việc cười đùa nói năng không tà vọng (đàn bà con gái phải giữ trinh tháo); tôn kính và phụng sự Sa môn, người trì giới, chăm chú hộ trì chưa từng lười mỏi hộ dưỡng họ (như pháp tôn kính bậc A la hán”[23].

Lời dạy của đức Phật trong trường hợp quốc gia Vajji như một thông điệp mang tinh thần bình đẳng, nhân bản, dân chủ. Lời dạy ấy vẫn mãi mãi là bài học quý giá cho con người hiện đại, xã hội và quốc gia hiện đại.

Đạo Phật đã có mặt với cuộc đời trên hai thiên niên kỷ và đã du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên, rồi cùng tồn tại và chan hòa cùng với dân tộc cho đến ngày hôm  nay. Xét trên bình diện đạo đức thì đạo Phật đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hình thành một quan niệm sống, một lối sống tích cực hữu ích cho người Việt Nam, từ cấp lãnh đạo đến tầng lớp quần chúng đông đảo.

Trước hết, đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngay từ buổi đầu của kỷ nguyên độc lập, triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê đã được sự hướng dẫn trực tiếp  của các Thiền sư Việt Nam về một quan niệm sống từ bi, đoàn kết và vô ngã, vị tha.v.v...thấm đậm tinh thần của Phật giáo.

  • Triều đại nhà Đinh[24], thông qua việc phong tặng danh hiệu Khuông Việt[25] cho Thiền sư Ngô Chân Lưu, đã nói lên ý nghĩa đóng góp tích cực, hữu ích của Thiền sư đối với dân tộc.
  • Qua triều đại nhà Tiền Lê[26], khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận[27] đã đưa ra hai lời khuyến hóa: hãy đoàn kết chặt chẽ, khắn khít như những sợi dây mây quấn lại với nhau và trong cung khuyết phải sống từ bi, vô ngã, vị tha. Cách sống đó sẽ đem lại an bình, thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.
  • Sang triều đại nhà Lý[28], lại được các sử gia như Hoàng Xuân Hãn[29],  đánh giá là một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam.
  • Đặc biệt là nhà Trần[30], với vị vua khai sáng là Trần Thái Tông[31] đã được Trúc Lâm Quốc Sư, Thiền sư Viên Chứng, trực tiếp hướng dẫn một quan niệm sống hoàn toàn vô ngã, vị tha: “Đã là đấng Nhân quân, thì phải lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình, lấy mong ước của thiên hạ làm mong ước của mình[32].
  • Rồi vua Trần Nhân Tông[33] sau khi xuất gia, đã tích cực đi đây đó để khuyến khích dân chúng tu tập muời thiện nghiệp và giữ gìn năm giới cấm[34].
  • Đến triều đại Hậu Lê, chủ nghĩa yêu nước kết hợp hài hòa với chủ nghĩa nhân đạo, qua tuyên ngôn: “Yêu nước là thương dân”.
  • Một điều hết sức ý nghĩa là không chỉ những nhà lãnh đạo quý tộc phong kiến ngày xưa nói và làm như thế, mà ngay trong thời hiện đại này, cụ Hồ, với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng, một nhà lãnh đạo đất nước, cũng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công , đại thành công”. Và cụ nêu ra nếp sống đạo đức người cách mạng là phải chí công, vô tư, cần kiệm, liêm chính.v.v....
  • Cũng vậy, sở dĩ Phật giáo trong giai đoạn nguyên thủy Phật giáo được các tầng lớp trong xã hội ủng hộ là nhờ sự đoàn kết của các thành viên trong tăng đoàn, vẫn nhớ những lời Phật dạy: “ Này các tỳ kheo, khi nào chúng ta tự hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các tỳ kheo, chúng tỷ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm[35]. Nếu trên bước đường tu hành chúng ta cùng ngồi lại bàn luận những vấn đề còn bị gút mắc để tìm ra chân lý giải thoát thì điều này đáng được hoan ngênh. Còn như tranh luận để tự đề cao, cho những điều mình thấy, biết là đúng. Còn những cái gì của người khác thì không chấp nhận với những tranh luận như thế này dễ dẫn đến xung đột, mất đoàn kết.
  • Theo ý kiến riêng của người trình bày thì thời kỳ hiện đại hôm nay cũng chẳng qua là tìm lại, hay làm mới lại tư tưởng của thời kỳ nguyên thủy Phật giáo bằng một hình thức “khác” mà thôi. Chứ thật ra những tư tưởng mà được gọi là “khác” nó đã có tất cả trong thời kỳ đức Phật rồi. Chẳng qua tên gọi có khác nhưng tư tưởng căn bản cốt lõi của những  thời kỳ vẫn tương đồng nhau. Như thế, dù với chế độ chính trị khác nhau, tinh thần từ bi, đoàn kết, hòa hợp và vô ngã vị tha của Phật giáo vẫn có giá trị đối với xã hội Việt Nam xưa cũng như  nay.
  1. Nhận xét

Trong thời đại hiện nay khoa học nếu dược ứng dụng với mục đích vì hòa bình của nhân loại, vì an vui hạnh phúc của hết thảy chúng sanh thì có đâu chiến tranh, có đâu con người chạy theo chủ nghĩa thực dụng để đánh mất lương tri của mình. Đã đến lúc con người cần phải quay trở về tìm lại diện mạo đạo đức. Và một nền đạo đức có giá trị nhân bản thiết thực đem lại hòa bình cho nhân loại mà không thấy đâu xa chính là đạo đức Phật giáo được xác lập trên cơ sở con người và vì hạnh phúc của con người.

Vì vậy trong tình hình thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết, đạo Phật với nền đạo đức học đầy tính nhân bản là kim chỉ nam cho các hoặt  động xã hội. Mọi người phải luôn nhân thức được rằng phương thức tốt đệp nhất để bảo vệ hạnh phúc của mình là không gây dau khổ cho người khác, phải ban bố đạo đức cua mình đến muôn người muôn loài. Phải biêt sống thanh bạch giản dị, khước từ những dục vọng thấp hền, và ước mơ một đời sống an lành hướng thượng. Một đời sông đạo đức như thế chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội, và cho toàn nhân loại hôm nay.

Thế giới đang vào buổi kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghiệp, và qui luật tất yếu của Việt Nam ta cũng phải chuyển mình theo đà ấy, thời đại công nghiệp thời gian ít ỏi hơn, có lẽ các Phật giáo có một hành trình mới, hợp thời cơ hơn để Phật giáo Việt Nam  ngày càng được mở rộng ra, các người ngoại quốc họ  tìm đến Phật giáo Việt Nam ngày càng đông.

​Sứ mệnh Phật giáo Việt Nam cũng như trên thế giới chưa cáo chung, lùi bước, trước nền văn minh khoa học, mà trái lại càng tiến mạnh và trở nên cần thiết để giữ vững thăng bằng của một thế giới văn minh công nghệ.  Bao giờ mọi người còn khao khát tình cảm đẹp đẽ, trong sáng thanh thoát, bao giờ kiếp người còn khổ sở vì cái ta ích kỷ, hẹp hòi và muốn được giải thoát sự trói buộc của nó, thì đạo Phật vẫn là đạo Phật. 

Thích  Viên Hiếu

SÁCH THAM KHẢO

  1. KINH ĐIỂN
  1. Kinh Pháp Cú, (2000), Thích Minh Châu (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  2. Kinh Trường A-Hàm, tập 1(2005),Thích Minh Châu (dịch), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội .
  3. Tăng Chi Bộ Kinh, tập3 (2005), Thích Minh Châu (dịch), Nxn Tôn Giáo, Hà Nội.
  4. Kinh Trường bộ, tập 1(1991), Thích Minh Châu (dịch), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
  5. Phật Quang Đại Từ Điển quyển 2 (2000),Thích Quảng Độ (dịch), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.
  1. SÁCH NGHIÊN CỨU
  1. Bửu Kế, Từ Nguyên từ điển (2000), Nxb Thuận Hóa.
  2. Doãn Chính, Đại cương lịch sử triết học phương Đông cổ đại (2003), Nxb Thanh niên, Hà Nội.
  3. Đào Duy Anh, Từ Điển Hán Việt (1998), Nxb Khoa Học Xã Hộ.
  4. G.Bandzeladze. Đạo đức học, t.1. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Hà Thiên Sơn, Lịch Sử Triết Học (2004), nxb Trẻ.
  6. Hà Thúc Minh, Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã (1997), nxb. Mũi Cà Mau.
  7. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông (2004), Nxb Tổng hợp  Tp. HCM.
  8.  Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục , Hà Nội 1963
  9. Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển (1999), Nxb Văn Hóa Thông Tin .
  10. Will Durant, Câu truyện triết học (1994), nxb. QNĐN
  11. Will Durant,Câu chuyện Triết Học (1971), Bửu Dích dịch, Tủ Thư Vạn Hạnh.

[1] Đó là những bộ kinh thuộc về Phật giáo Nguyên thủy, chú trọng về lịch sử, sự thật. Quan điểm của họ về đức Phật là một con người bằng xương, bằng thịt như bao nhiêu người khác, đặc biệt chúng ta sẽ nhận thấy triết lý đạo đức – nhân sinh trong quan niệm về con người, xã hội và tự nhiên.

[2] Từ Latinh moralis bắt nguồn từ mos, moris (phong tục tập quán), từ Sittlichkeit trong tiếng Đức bắt nguồn từ Sitten (tập quán), trong tiếng Hy Lạp cũng có liên hệ từ nguyên tương tự”. G.Bandzeladze (1985), 48.

[3] Oxford University Press, Oxford Advanced Learner’s Dictionary Of Current English – 2000, tr.125

[4]Đào Duy Anh(1998), 251.

[5] Thiều Chửu (1999), 177.

[6] Thích Quảng Độ dịch (2000), 1621-1622.

[7] Will Durant( 1971), 18.

[8] Bửu Kế (2000), 523.

[9] Theo Socrate, một xã hội có đạo đức thì tự khắc xã hội đó (bất kỳ là người có tôn giáo hay không có tôn giáo) đều có được cuộc sống an lành, ổn định, không cần đến thần học.

[10] Will Durant( 1971), 132.

[11]Doãn Chính,(2003), 420.

[12] Theo Phật Quang Đại Từ Điển, nghiệp được định nghĩa như sau: “Nghiệp theo Phạn ngữ là Karman, Pàli là Kamm. Nghĩa là sự tạo tác, tức chỉ cho những hoạt động của thân tâm như hành vi, hành động, tác dụng, ý chí hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí sinh ra. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài tới hiện tại và cho mãi đến vị lai. Ngoài ra nghiệp cũng bao hàm tư tưởng nhân quả báo ứng về hành vi thiện ác như khổ vui và tư tưởng luân hồi trọn 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghiệp vốn là tư tưởng cố hữu của Ấn Độ, Phật giáo dùng nó làm căn cứ để khuyên con người nổ lực hướng tới vị lai”.

[13] Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu (dịch) 2000, 48-49.

[14] Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu (dịch) 2000, tr. 39.

[15] Kinh Trường A-Hàm quyển 1, HT.Thích Minh Châu (dịch) 2005, tr.558.

[16] Kinh Trường A-Hàm quyển 1, Thích Minh Châu (dịch) 2005, tr.559-560.

[17] Tăng Chi Bộ Kinh tập3, Thích Minh Châu (dịch), 2005, tr.119.

[18] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu (dịch) 2005, 542.

[19] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu (dịch) 2005, 543.

[20] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu (dịch) 2005, 542.

[21] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu (dịch) 2005. 544, 545

[22] Trường Bộ kinh, Thích Minh Châu (dịch) 2005, 544.

[23] Kinh Trường A-Hàm, tập1, Thích Minh Châu (dịch) 2005, 84-87.

[24] Nhà Đinh (968 – 980).

[25] Chuyện kể rằng, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, cho mời Thiền sư Ngô Chân Lưu vào triều tham vấn, qua sự đàm đạo, vua rất quý trọng sư phong giữ chức Tăng thống và ban hiệu Khuông Việt đại sư. Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011) là hậu duệ Ngô Quyền. Giúp vua Đinh Tiên Hoàng (970 - 979), được vua ban Khuông Việt Đại sư (có nghĩa vị sư lớn khuông phò nước Việt) và phong chức Tăng thống, coi trọng như Quốc sư. Dưới triều Lê Đại Hành (980-1005), vua mời thiền sư tham dự những việc trọng đại trong triều, cử sư Pháp Thuận tiếp sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Lý Giác rát tôn kính sư và vương triều. Sư có bài từ Ngọc lang quy đưa tiễn sứ giả rất tuyệt tác.

[26] Tiền Lê (980-1009).

[27] Pháp Thuận Thiền Sư, (914-990) tên thật là Đỗ Pháp Thuận (杜法順), là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

[28] Nhà Lý (1009- 1225): 216 năm.

[29] Hoàng Xuân Hãn (19081996) là một giáo sư toán họckỹ sưnhà sử họcnhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóagiáo dụcViệt Nam. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.

[30] Nhà Trần (1225-1400) :175 năm

[31] Trần Thái Tông (1218 – 1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 -1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm.

[32] Lê Mạnh Thát 2004, 209.

[33] Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm (陳昑) là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm.

[34] Năm giới cấm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

[35] Kinh Trường bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch) 1991, 547.

Video
Tin nhiều người đọc
Back to top