Sáng ngày 20/10/2018 (tức ngày 12/9/Mậu Tuất), BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh kết hợp với chùa Ngọa Vân (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức lễ đúc tượng đồng Tam tổ Trúc Lâm và Tam tòa Thánh Mẫu tại khu nhà ga 1 – Cáp treo Ngọa Vân.
Đây là một trong những hoạt động để chào mừng Đại lễ tưởng niệm 710 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn (1/11/ Mậu Tuất).
Về chứng minh và tham dự, đại diện Ban Trị sự PG tỉnh Quảng Ninh có: Đ.Đ Thích Đạo Hiển – Phó ban kiêm Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đ.Đ Thích Khai Từ – Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thôn GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đ.Đ Thích Vân Phong – Uỷ viên Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh - Trưởng BTS PG huyện Tiên Yên, cùng Chư Tôn đức Tăng, Ni trong BTS các Huyện, Thị lân cận; và hiện đang trụ trì tại các chùa trong tỉnh.
Đại diện Thị xã Đông Triều có ông Vũ Văn Học – Bí thư Thị ủy; Chủ tịch HĐND Thị xã; Ông Hoàng Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; Và các Ông, Bà trong Thường trực Thị ủy – Thường trực HĐND – lãnh đạo UBND thị xã; Đặc biệt hơn là đông đảo nhân dân, Tín đồ Phật tử xa gần, Phật tử địa phương về dự và công đức.
Chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, thuộc xã Bình Khê, TX Đông Triều là di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Nơi đây, vua Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng của triều đại nhà Trần, một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dân tộc đã lựa chọn để tu hành và hóa Phật vào năm 1308, vì vậy Ngọa Vân được coi là “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Ngọa Vân gắn liền với thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau một thời gian bị quên lãng, Ngọa Vân giờ đây đang được đánh thức cùng với những giá trị to lớn của di tích. Trụ trì hiện tại trực tiếp chỉ đạo là TT. Thích Thanh Quyết. Công trình được bắt đầu từ ngày 19/3/2014. Khu chính điện hình chữ nhị dựng theo cấu trúc chùa cũ đã được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 09/01/ Bính thân (2016). Việc trùng tu tôn tạo để dần trả lại không gian văn hóa xưa của di tích không chỉ là việc làm để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa mà còn phục dựng nơi tham quan, nghiên cứu, giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc và tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm, mà nổi bật là tư tưởng “Hòa quang đồng trần” và “Cư trần lạc đạo” của thiền phái luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lợi đạo ích đời của những người con Phật Việt Nam từ xưa đến nay.
Tại buổi lễ, các nghệ nhân đã tiến hành đúc 06 pho tượng gồm: Tượng Tam Tổ Trúc Lâm ( Đệ nhất Trần Nhân Tông; Đệ nhị Pháp Loa và Đệ tam Huyền Quang); Tam Tòa Thánh Mẫu (Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ).
Lễ đúc tượng Tam Tổ Trúc Lâm và Tam Tòa Thánh Mẫu chùa Ngọa Vân là một sự kiện Phật giáo có ý nghĩa lớn, góp phần hoàn thành nội dung thờ tự tại chùa Ngọa Vân, hướng tới Đại lễ tưởng niệm 710 năm ngày Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 – 2018) sẽ được tổ chức vào ngày mồng 1/11 âm lịch tới đây.
Một số hình ảnh ghi nhận.
CTV