Kính thưa...
Đạo Phật Việt Nam hiện nay đã và đang đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết gắn bó và đóng góp cùng chính quyền, lãnh đạo đất nước từng bước thành tựu cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam có cuộc sống mỗi ngày càng thêm văn minh và hưng thịnh. Đạo Phật đã đến với dân tộc Việt Nam hơn hai ngàn năm lịch sử, đã từng thăng trầm cùng dân tộc. Những thời kỳ hưng thịnh như Đinh, Lê, Lý, Trần… đã có những bậc vua chúa sùng tín đạo Phật, những Đại sư làm Quốc sư đã xây dựng nhiều cơ sở tự viện cho tăng, ni tu học và hoằng pháp. Đạo Phật dù trực tiếp hay gián tiếp đã góp phần vào sự thành công của nền chính trị, quân sự, văn hóa, mỹ thuật - nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên vẫn còn bị hạn chế do điều kiện khách quan của xã hội.
Đạo Phật Việt Nam ngày nay, kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Chư tôn đức, tăng ni tiền bối đã tiến hành thống nhất các hệ phái, thành lập “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”. Có thể nói, qua hai ngàn năm, thời kỳ này là thời kỳ Phật giáo Việt Nam đã thực sự thống nhất các tổ chức Giáo hội, Hệ phái và từng bước phát triển vững mạnh.
Từ ngày 7 tháng 11 năm 1981, Phật giáo được hình thành cơ chế tổ chức, lãnh đạo Giáo hội cho cả nước. Từ Trung ương Giáo hội điều hành hợp pháp đến tận các tỉnh, thành, huyện, thị. Cơ sở tự viện và cá nhân tăng, ni thuận lợi trong sinh hoạt, tu hành và hoằng pháp lợi sanh. Có thể nói, Phật giáo là một tôn giáo của đất nước.
Chư tôn đức Giáo phẩm tiền bối đã dày công xây dựng Hiến chương GHPGVN để quy định cơ chế tổ chức, nhân sự lãnh đạo các cấp, các ngành. Quy định nội quy các Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng và thích hợp nhu cầu sinh hoạt của giới Phật giáo hiện đại.
Tổ chức Ban Tăng sự nhằm ổn định tổ chức, hành chính pháp lý, pháp nhân cơ sở, tăng thân tu sĩ và cư sĩ…; Ban Giáo dục tăng ni khai mở trường đào tạo từ Sơ, Trung, Cao cấp và Đại học; Ban Hướng dẫn Phật tử tạo điều kiện cho phật tử tại gia tiếp cận học hỏi, tu tập có nề nếp với các tăng, ni cơ sở tự viện; Ban Hoằng pháp đào tạo giảng sư, triển khai giáo pháp cho tăng, ni và phật tử; Ban Nghi lễ giúp phần trang nghiêm thờ cúng, thanh tịnh đàn tràng, ổn định lễ lượt…; Ban Văn hóa, Ban Truyền thông chuyên lo phát hành kinh sách, triển khai và truyền thông nét đẹp chân thiện mỹ, văn học nghệ thuật của cơ sở và đời sống phạm hạnh của tăng, ni; Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế góp phần cho sự thực hiện các tổ chức được đúng vào quy định của Hiến chương, góp phần vào sự ổn định cơ chế tổ chức đúng pháp của luật đạo, Giáo hội…; Ban Phật giáo Quốc tế tiếp cận, tiếp xúc, đối lưu cùng Phật giáo nước ngoài; Ban Nghiên cứu Phật học để dịch thuật, soạn thảo hệ thống kinh sách Phật giáo được đi vào quy củ và được triển khai rộng rãi.
Có thể nói, từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình thành đã trải qua 7 nhiệm kỳ với thời gian 35 năm, Giáo hội đã thành tựu trách nhiệm cao cả của mình một cách mỹ mãn, tốt đẹp. Đây là đều nhờ vào tài đức của các bậc Trưởng lão, Giáo phẩm Trung ương đã dày công vun đắp. Thật là đại hạnh cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Chúng con là những tăng sĩ hậu côn, thừa kế phật sự Giáo hội vô cùng kính ân và phát nguyện học tập, thực hành gương sáng này cho Phật pháp được tiếp tục thường minh.
Hôm nay, nhân ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, đại diện tiếng nói của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, chúng con xin góp chút ít lời tham luận vào sự phát triển tốt đẹp và bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện hành.
Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa Quý liệt vị,
Xã hội nhân sinh có câu rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của sự thành công trong công việc lãnh đạo, nói rằng: “Vua anh minh thì nhân dân an lạc,Vua bất chính thì dân tất loạn”. Ở đây, cho chúng ta hiểu tất cả sự thành công tốt đẹp của một việc gì đều xuất phát từ năng lực, Trí - Tài - Đức của nhân sự lãnh đạo.
• Một là, vị trụ trì thành công cần có năng lực tiếp tăng, độ chúng, xây dựng người đệ tử xuất gia có nền tảng học tu vững chắc. Trước hết, phải khai thị chính kiến xuất gia đúng đắn; huấn tập cho tân đệ tử thuộc làu 4 bộ sách: Oai nghi, Tăng tỳ ni, Sa di và cảnh sách. Phải trang nghiêm thân tâm qua những lễ lạy, sám hối, thường tụng thuộc những thời khóa tụng niệm căn bản, nắm vững nghi thức tụng niệm, cúng kiến, lễ lượt thiền môn. Sau đó, gia giáo cho họ phát huy học thuật, giáo lý Phật pháp, tạo cho họ được tùng Hạ an cư hàng năm hay đi vào các cấp trường đào tạo Phật học. Khi đệ tử rời Bổn sư, bổn tự, người đệ tử phải có đủ oai nghi, sự lễ kính, lòng ham tu học thì chắc chắn tăng sĩ này sẽ phát huy tăng thân tốt đẹp.
Bên cạnh đó, vị trụ trì còn phải hoàn thành những bổn phận quản lý cơ sở, tu bổ hay xây dựng vừa đủ khang trang, sạch sẽ để đáp ứng nhu cầu chính vụ là nuôi dưỡng người xuất gia, tiếp độ quy y cho phật tử tại gia và khai mở những Đạo tràng tu học cho cư sĩ; không nên thái quá về mặt xây dựng cơ sở. Cơ sở có ít người, phật tử không tới lui mà xây dựng hoành tráng, làm tổn hao công đức của đàn na tín thí, vì đó là công đức chết.
Vị trụ trì còn phải theo dõi học hỏi giới luật, luật pháp của Nhà nước, thường thân cận Giáo hội để thực hiện sự điều hành phật sự tốt đẹp của Giáo hội và của đất nước. Và nhất là thực hiện lòng từ mẫn bằng việc tham gia công việc từ thiện, phúc lợi cho nhân sinh, xã hội.
• Hai là, các thành viên lãnh đạo Giáo hội các cấp cần phải có tài đức, phẩm hạnh, gương sáng của người lãnh đạo. Đối với người tu theo đạo Phật họ chỉ kính nể cái tài, cái đức chứ họ không sợ cái quyền cai trị. Cho nên chúng ta cần phải tinh tấn tự tu, tự học nhiều hơn để nâng cao đức trí. Đối với đạo Phật cái đức là năng lực hàng đầu, chúng ta cần thường xuyên nghĩ đến nhiệm vụ quan trọng của người con Phật là để phục vụ lợi tha vô ngã, làm phật sự là nghĩa vụ, hy sinh để lợi lạc cho tha nhân và lợi lạc cho chính mình.
Lãnh đạo bằng lòng thương yêu, dùng trí giúp đỡ cho sự ổn định sinh hoạt tu hành của những người con Phật hiện tại và con Phật tương lai. Đó là niềm vui và bổn phận của tấm lòng Bồ tát vị tha vô ngã. Người lãnh đạo chân chính nên tự lượng sức của mình. Nếu chúng ta tự thấy không kham công việc, cần nên mạnh dạn giao lại người có năng lực thay thế, không nên bảo thủ làm cho công việc lợi ích bị trì trệ hay tổn hại; nhất là người tu sĩ Phật giáo không cần danh lợi, mục đích là phục vụ lợi tha chứ không vì hư danh hão vời.
Người lãnh đạo tối cao một cơ quan chủ quản cần phải kịp thời điều chỉnh những bất ổn của thuộc cấp, không vì tình cảm riêng mà làm tổn hại đến lợi ích tập thể. Quyết định nhân sự lãnh đạo cũng không vì cảm năng, thương ghét của cá nhân mà nên nhìn bằng trí tuệ tập thể. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chúng ta đã thành công trong việc tổ chức Giáo hội, phục vụ hoằng pháp, thành tựu rất nhiều công đức nhưng vẫn còn nhiều tồn đọng một số nhân sự quan trọng phạm phải vào một số ý kiến cầu toàn trên.
Tóm lại, trong cuộc sống tương đối của thế nhân, thường hay bất toàn, nhưng chúng ta dõng mãnh nhìn thẳng sự thật của những ưu, khuyết, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn bị trên 90% và Đại hội kỳ VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, viên mãn hơn. Một lần nữa, chúng con thiết nghĩ những người con Phật của đất nước Việt Nam nên hết lòng thành kính tri ân Chư tôn đức, tăng, ni tiền bối đã khai sáng và dày công bồi đắp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển vững bền trong suốt 35 năm qua.
Hai nội dung tham luận trên, chúng con biết Chư tôn đức đã hiểu nhiều và rõ hơn chúng con, nhưng đây là cơ hội cho hàng hậu bối thuộc cấp và đồng sự chúng con có dịp góp ý, để chúng con được tiếp tục nhiệt tâm phụng sự cùng với Giáo hội bền vững hơn. Có điều chi nên lỗi, kính mong Chư tôn đức từ mẫn khai thị cho chúng con được hoàn chỉnh hơn.
Kính chúc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp.
Trân trọng!
Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)