Cảm nhận về Tổ Như Trí Khánh Hòa và phong trào chấn hưng PGVN

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
Chư Tôn Thiền Đức Chư Tôn Thiền Đức

Cảm nhận về Tổ Như Trí Khánh Hòa và phong trào chấn hưng PGVN

Cảm nhận về Tổ Như Trí Khánh Hòa và phong trào chấn hưng PGVN

Thiền sư Như Trí Khánh Hòa và các pháp lữ, đệ tử của ngài đã kế thừa xuất sắc mạng mạch Phật giáo và văn hóa Phật giáo Việt Nam, khởi xướng và tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo, vừa phù hợp với xu hướng của thời đại, vừa đáp ứng hoàn cảnh thực tế đặc thù của đất nước và dân tộc Việt Nam, được sự cổ vũ và ủng hộ từ nhiều tầng lớp xã hội thời đó.

Từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã hòa mình cùng dân tộc: cùng vinh quang, cùng tủi nhục theo vận nước thịnh suy. Đến hôm nay, lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ là một lực lượng chính trị, song Phật giáo luôn là một hậu phương cho chính nghĩa và độc lập - tự chủ của dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Chư tổ, danh tăng và danh sĩ Phật giáo cũng là những ngôi sao tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời lịch sử Việt Nam. Trong các ngôi sao ấy, có một ngôi sao rất gần với chúng ta là Thiền sư Như Trí - Khánh Hòa - vị danh tăng đã khởi xướng và tiến hành phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà gần một thế kỷ trước.
 
Đến nay, có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về ngài từ hành trạng đến sự nghiệp, từ kiến thức đến đức độ… do nhiều giới trong xã hội thực hiện ở nhiều thời kỳ với quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chung nhất đó là: Ngài là một tu sĩ Phật giáo có giới hạnh tinh nghiêm, uyên thâm Phật học và linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam mà tầm ảnh hưởng vẫn còn lan tỏa cho đến hôm nay. Trong bài viết này, chúng tôi xin mạn phép được trình bày một vài cảm nghĩ chủ quan của mình về ngài.
 
Ngài sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị xâm lăng và các phong trào vũ trang yêu nước đã và đang lần lượt bị đàn áp tiêu diệt. Xung đột giữa các ý thức hệ, tư tưởng tôn giáo diễn ra vô cùng gay gắt, bất lợi thuộc về dân tộc và Phật giáo. Từ năm 1867, Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa Phật giáo ở đây bị chà đạp, xóa bỏ không thương tiếc dưới gót giày xâm lược và các thế lực ăn theo, hơn các vùng miền khác. 
 
Trước tình hình đó, các nhân sĩ/Nho sĩ đã nhận ra giá trị của Phật giáo đối với dân tộc nên tự nguyện đứng trong hàng ngũ Phật giáo để cố bảo vệ và gìn giữ những gì còn sót lại. Một số hòa thượng thời đó đã cố gắng mở các trường gia giáo để đào tạo tăng tài mà trước nhất phải kể đến là Trường Sông Tra tại chùa Linh Nguyên và sư Khánh Hòa là một trong những học tăng xuất sắc nhất. Ngài đã được thấm nhuần Phật học và hun đúc lòng yêu nước từ những vị thầy cũng như bạn đồng học trong những ngày đó.
 
Như một nhân duyên và cũng là sứ mạng mà Phật giáo Việt Nam luôn mang trên mình nhiệm vụ giữ gìn văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ Pháp thuộc, sau bao hiệp ước/hòa ước bất bình đẳng mà chính phủ Pháp ép buộc Nam triều phải ký kết, Nam Kỳ trở thành một vùng đất hải ngoại của họ. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn tấm lòng son sắt với non sông và tiền đồ của dân tộc. Triều đình nhà Nguyễn vẫn cố đấu tranh trong tuyệt vọng để ít nhiều giữ lại phần tâm linh và văn hóa trên vùng nhượng địa Nam Kỳ (Thần linh ở Nam Kỳ vẫn được nhận sắc phong từ triều đình Huế). 
 
Phật giáo trong hoàn cảnh đen tối đó trở thành chỗ tựa nương cho mọi tầng lớp xã hội và là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống trước sự tấn công tiêu diệt của các thế lực ngoại bang. Đất nước dẫu chia cắt nhưng tôn giáo và văn hóa vẫn còn chung một mạch chảy. Văn hóa còn, đất nước còn mà Phật giáo là “mái nhà” chở che cho văn hóa dân tộc mỗi khi bão táp phong ba từ hàng ngàn năm qua. Do đó, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX không chỉ là sự hòa nhập xu hướng khách quan chung của phong trào Phật giáo thế giới (Tích Lan, Trung Quốc, Miến Điện, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…) tại thời điểm đó mà còn mang một sứ mạng bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung trong hoàn cảnh đất nước bị lệ thuộc, chia cắt và đồng hóa, cải đạo từ chính quyền bảo hộ và ngoại giáo. Đây là điểm đặc biệt của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam nên chúng ta cần phải thận trọng, không nên vội vàng cho rằng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc hay một nơi nào khác. 
 
Với sự khởi xướng của Thiền sư Khánh Hòa, công cuộc này được nhiều người ủng hộ từ những vị tiền bối danh tăng như Tổ Như Hiển - Chí Thiền (Tổ Phi Lai), Tổ Như Nhãn - Từ Phong… cho đến những tăng sĩ, cư sĩ và cả giới nhân sĩ trí thức đương thời. Phải chăng chính quyền bảo hộ đã thấy được sức mạnh đó nên đã gây không ít khó khăn cho công cuộc này. Cũng từ đây, chúng tôi nhận thấy tầm ảnh hưởng của ngài rất lớn ở Nam Kỳ thời ấy. (Có một vài vị cao niên từng cho biết Thiền sư Khánh Hòa có thể sử dụng thành thạo chữ Quốc ngữ, Pháp văn. Điều đó cũng là một lợi thế giúp ngài hoạt động, phổ biến lý tưởng chấn hưng Phật giáo lan tỏa khắp nước).
 
Một vấn đề khác, phong trào chấn hưng Phật giáo đã thiết lập một hình thức tổ chức mới cho Phật giáo nước nhà. Mặc dù sau hơn 80 năm, khi xem lại quyển Điều lệ Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, chúng ta thấy rõ những điểm hiện đại tích cực về tổ chức và vận hành tổ chức nhưng vẫn giữ được truyền thống Phật giáo dân tộc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các tổ chức Phật giáo cùng thời và về sau tại nước ta. Ngài đóng vai trò then chốt và chủ đạo trong việc cho ra đời Điều lệ đó. 
 
Kế tiếp, ngài thành lập Hội Phật học Lưỡng Xuyên cũng tổ chức rất quy củ và hiệu quả. Đặc biệt, Ngài có sự liên kết chặt chẽ với các danh tăng ở Trung Kỳ và bước đầu liên hệ với Bắc Kỳ. Thích học đường Lưỡng Xuyên đã gửi học tăng ra kinh đô Huế tu học. Ngài và các đồng chí của ngài đã chuẩn bị và tạo tiền đề cho một ngày thống nhất Phật giáo cả nước và xa hơn chính là thống nhất nhân tâm và tư tưởng của dân tộc vậy.
 
Về Phật học và truyền bá Phật học: Với kiến thức Phật học và những sở đắc của mình trong Phật pháp, ngài đã tham gia tích cực các trường gia giáo và sớm trở thành một giảng sư nổi tiếng kể từ khi giảng kinh Kim Cang tại chùa Long Huê (Gia Định). Việc thỉnh và dịch Tam Tạng Kinh điển ra chữ Quốc ngữ để phổ biến rộng khắp đến nhiều đối tượng qua các báo Pháp âm, Từ bi âm, Duy tâm Phật học… là một việc làm có ý nghĩa rất to lớn. Vì vào thời điểm đó, báo chí là một phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại và hữu hiệu nhất. 
 
Hơn thế, ngài đã khởi nguồn việc hình thành Việt tạng bằng chữ Quốc ngữ - một việc làm cần thiết nhất cho Phật giáo nước nhà hôm nay và mãi mãi về sau. Chính việc truyền bá Phật học của ngài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đã giúp tri thức Phật giáo phổ cập đến với không chỉ giới phật tử mà còn cả những người hâm mộ và tìm hiểu Phật pháp. Những vị học tăng từ Thích học đường Lưỡng Xuyên đã trở thành rường cột chính trong ngôi nhà Phật giáo sau này. Các vị đó, không chỉ phát huy rạng rỡ chánh pháp của đức Phật mà còn là tấm gương tiêu biểu cho mọi thế hệ mai sau về giới hạnh, sự nghiệp và tinh thần dân tộc như Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh… 
 
Sự nghiệp ngài để lại cho đương thế và hậu thế vô cùng to lớn. Điều đặc biệt nhất là tâm nguyện thiết tha đào tạo tăng tài. Điều này rất phù hợp với quan điểm “súc chủng đãi thời” của triều đình Huế vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Và những hạt giống mà ngài và các pháp lữ của ngài gieo đã, đang và sẽ còn tỏa hương thơm ngát trong vườn hoa Phật giáo nước nhà dẫu không ít lần phải đương đầu với các kỳ pháp nạn… Ngày nay, gần một thế kỷ đi qua, biết bao thăng trầm dâu bể nhưng những gì ngài và công cuộc chấn hưng Phật giáo để lại vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn cho Phật giáo Việt Nam hiện nay. Bốn chủ trương của ngài:
 
1. Lập hội Phật giáo.
 
2. Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ.
 
3. Lập trường Phật học để đào tạo tăng tài.
 
4. Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh chấn hưng quy củ Thiền môn.
 
Qua từng chủ trương, chúng tôi nhận thức rõ được những băn khoăn, trăn trở của Thiền sư Khánh Hòa về tiền đồ của Phật giáo nước nhà và bốn chủ trương ấy sẽ luôn mãi mãi còn đúng đắn không chỉ cho tổ chức Phật giáo Việt Nam mà còn cho bất kỳ tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển một cách chân chính: Có tổ chức và hoạt động đúng với tôn chỉ - cương lĩnh đã được xây dựng trên cơ sở nhân bản; Có đầy đủ phương tiện về tri thức mà mọi người trong tổ chức - cộng đồng có thể sử dụng được; Đào tạo cho thành viên của tổ chức và đội ngũ kế thừa về cả tri thức và đạo đức; Đa dạng hóa các kênh tiếp cận tri thức của tổ chức và hướng mỗi thành viên thức tỉnh để giữ đúng quy định, nội quy của tổ chức.
 
Thiền sư Như Trí Khánh Hòa và các pháp lữ, đệ tử của ngài đã kế thừa xuất sắc mạng mạch Phật giáo và văn hóa Phật giáo Việt Nam, khởi xướng và tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo, vừa phù hợp với xu hướng của thời đại, vừa đáp ứng hoàn cảnh thực tế đặc thù của đất nước và dân tộc Việt Nam, được sự cổ vũ và ủng hộ từ nhiều tầng lớp xã hội thời đó. Những chủ trương và sự nghiệp của ngài và phong trào chấn hưng Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn giá trị thiết thực cho đến hôm nay. Trước những cơ hội thuận lợi cũng như nhiều nghiệt ngã, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những người có trách nhiệm cần nghiên cứu, áp dụng và phát huy những bài học quý báu đó cho sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà và dân tộc. 
 
Trần Đình Sơn                                                                        
Video
Tin nhiều người đọc
Back to top